Tinh tế nghề làm bạc của người Dao đỏ ở Mường Hum
Tới thăm người Dao ở bản Séo Pờ Hồ, xã Mường Hum (Bát Xát) chúng tôi được “mục sở thị” sự tinh tế những tay nghề làm trang sức bằng bạc.
Những người già trong bản kể rằng: Xưa kia trên thiên đình, nàng tiên cả vốn được vua cha yêu thương nhất. Những ngày tết hay lễ hội nàng thường được vua cha ban cho rất nhiều váy áo đẹp và trang sức quý. Nàng rất thích thú với quà tặng và tìm đến chỗ ông tiên chuyên làm ra trang sức ấy để học nghề. Nhờ thông minh và khéo léo, chẳng mấy chốc nàng tiên cả đã học được cách làm trang sức tinh xảo. Một năm qua đi, mùa xuân đến, Ngọc Hoàng gọi các cô con gái yêu và nói: Ta cho phép các con xuống hạ giới thăm thú nhân gian, người nghèo khổ thì giúp, người làm việc ác thì giáo huấn, trừng phạt.
Các nàng tiên giáng trần, người về bản của người Kinh, người về bản của người Dao, người Thái, người Mường… Nàng tiên cả trước khi đi đã mang theo bạc để về một bản nhỏ của người Dao đỏ truyền nghề làm đồ trang sức. Nàng làm ra nhiều trang sức, như vòng tay, hoa tai và những quả chuông nhỏ đính lên trang phục khiến mỗi bước chân của thanh niên, thiếu nữ người Dao phát ra những âm thanh leng keng rộn vui. Vì vậy mà ngày nay trên trang phục của người Dao đỏ đều có những quả chuông nhỏ xinh xắn, bản nhỏ ấy là Séo Pờ Hồ ngày nay.
Nghề làm bạc cần sự khéo tay và tỷ mỷ.
Bản Séo Pờ Hồ hiện không còn nhiều người cao tuổi giữ được nghề, như ông Tẩn Phù Sinh (59 tuổi), Tẩn Kín Sài (45 tuổi) nhưng "tre già măng mọc”, thế hệ trẻ của bản vẫn có ý thức giữ gìn vốn quý của người Dao đỏ. Trong bản có 13/51 hộ có thu nhập chính từ nghề chạm khắc đồ trang sức bằng bạc. Người Dao đỏ bản Séo Pờ Hồ chủ yếu làm đồ trang sức bạc trang trí trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc như dây bạc, chuông bạc.
Để làm được những quả chuông, người Dao dùng khuôn bằng sừng trâu và bằng sắt, khuôn có đục những lỗ tròn với kích thước nhỏ dần. Miếng bạc cán mỏng được cắt thành từng đoạn nhỏ để đưa vào khuôn đục tròn. Lần lượt miếng bạc sẽ được tạo tròn qua các lỗ khuôn từ to đến nhỏ nhằm mục đích cho nửa chuông được tròn đều. Hai nửa chuông được ghép lại với nhau bằng mối hàn, sau đó thắt đai quanh chuông bằng sợi bạc nhỏ. Bên trong quả chuông bỏ viên bi làm bằng đồng để quả chuông có âm thanh ngân vang.
Sợi bạc dùng làm dây chuông, dây xà tích bạc, đây là công việc khó nhất trong nghề làm bạc truyền thống ở Mường Hum. Kiểu đan hình vẩy cá khiến người thợ phải thật tỷ mỷ, tinh luyện. Dây bạc cần được đun qua nước dấm để bạc trắng sáng hơn. Mỗi ngày người thợ có thể làm 10 đôi dây và chuông bạc, bạc bán tại chợ phiên hoặc làm theo đơn đặt hàng của những cô gái sắp cưới chồng.
Mỗi bộ váy áo cưới truyền thống của người Dao đỏ Mường Hum có giá tới 50 triệu đồng, trong đó 45 triệu đồng là trị giá trang sức bằng bạc. Trên áo của người đàn ông chỉ trang trí dây chuông bạc ở phần ngực áo, giá trị của bộ trang phục người đàn ông là khoảng 10 triệu đồng. Đồ trang sức bạc làm cho bộ trang phục thêm đẹp, quý phái, ngoài ra theo quan niệm của người Dao, bạc còn giúp tránh cảm, tránh bệnh tật nên trẻ nhỏ thường đội mũ nồi có đính nhiều dây bạc, đồng bạc.
Trải qua nhiều công đoạn, những thỏi bạc, nắm bạc cốm được người Dao đỏ ở bản Séo Pờ Hồ thổi hồn thành đồ trang sức khéo léo, tinh tế. Đó không chỉ là nghề nghiệp, là mục đích mưu sinh, mà còn là sự tâm huyết, tình yêu nghề truyền thống.