Chương trình phát triển cây cao su: Quy hoạch theo hướng đại điền
Theo Quy hoạch bổ sung vùng trồng cây cao su giai đoạn 2010 - 2020, tổng diện tích cây cao su toàn tỉnh đạt 15.000 ha thuộc 4 huyện, thành phố. Theo đó, cao su sẽ là loại cây xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho người dân gắn với xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, quy hoạch vùng trồng cây cao su đang cần lộ trình rõ ràng, đồng thời tạo dựng vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến, tạo ra hàng hóa có tính cạnh tranh trên thị trường và thu hút các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư.Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm khu vực trồng cao su đại điền của huyện Bát Xát. |
Niềm tin làm giàu
Cây cao su đã và đang đem đến giấc mơ làm giàu cho nhiều hộ nông dân và công nhân của các doanh nghiệp tham gia sản xuất. Đối với một số nông dân trồng cao su với mô hình tự phát, khi biết rằng sản phẩm sau thu hoạch được đảm bảo đầu ra với nhà máy chế biến mủ cao su hiện đại, thì họ càng tin những giọt mồ hôi của mình có giá trị. Anh Phàn A Bồng, thôn Cầu Xum, xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai) đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm 200 gốc cao su. Tuy chỉ là mô hình tự phát nhưng anh Bồng có đủ cơ sở để tin diện tích cây cao su kia sẽ đem đến sự giàu có và anh đang có dự định mở rộng quy mô lên 1.000 gốc cao su trong thời gian tới. Anh Bồng là điển hình sản xuất giỏi của xã Vạn Hòa nhờ mô hình trồng dứa kết hợp với trồng rừng, mỗi năm gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng trọt.
Cây cao su còn góp phần giải quyết việc làm cho lượng lao động ngày càng tăng trên địa bàn tỉnh. Theo tính toán sơ bộ, hơn 800 ha cao su trồng mới năm 2013 sẽ giúp cho 400 lao động có việc làm ổn định với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng và chính những lao động này là cơ sở giúp gia đình họ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Tiềm năng phát triển
Năm 2003, tỉnh đã triển khai trồng một số diện tích cây cao su tại Làng thanh niên lập nghiệp Trịnh Tường (Bát Xát), tiếp đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép huyện Bát Xát phát triển cây cao su tại các hộ gia đình theo hướng tiểu điền. Năm 2010, tỉnh chính thức quy hoạch bổ sung vùng trồng cao su giai đoạn 2010 - 2020. Trong giai đoạn này, Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng được thành lập và mở rộng vùng trồng cao su tại Bảo Thắng, Bát Xát, Văn Bàn, thành phố Lào Cai.
Theo kế hoạch, năm 2013, toàn tỉnh sẽ trồng 850 ha, nâng tổng diện tích cây cao su lên 1.230 ha. Về cơ bản công tác giải phóng mặt bằng, làm đất, chuẩn bị vườn ươm và chọn giống đang được các địa phương và doanh nghiệp triển khai đồng bộ, đảm bảo kế hoạch và tiến độ đã đề ra. Vụ rét năm 2011, một số giống cây cao su có xuất xứ từ miền Nam không chịu được lạnh đã chết hàng loạt, nên tỉnh đã lựa chọn giống nhập từ Trung Quốc đưa vào trồng tại các địa phương này. Cơ chế, chính sách trồng cây cao su được tỉnh vận dụng theo Quyết định 147 của Chính phủ về hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất, nguồn vốn từ Chương trình trồng 5 triệu ha rừng.
Quy hoạch đại điền
Tại nhiều hội nghị, hội thảo quan trọng, Chương trình phát triển cây cao su luôn được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thống nhất quy hoạch phát triển cây cao su theo hướng đại điền. Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chương trình phát triển cây cao su muốn thành công phải được quy hoạch thành vùng rộng lớn, cùng với hạ tầng giao thông và nhà máy chế biến hiện đại để bảo đảm chất lượng mủ sau thu hoạch.
Ươm giống cao su tại Làng Thanh niên lập nghiệp Trịnh Tường (Bát Xát). |
Dựa theo mô hình cao su đại điền của các tỉnh miền Nam và tỉnh Lai Châu, Lào Cai đang hướng phát triển vùng trồng cao su theo quy hoạch có nhà máy chế biến nguyên liệu, làm đường giao thông, các tổ sản xuất và hệ thống công trình phục vụ an sinh cho công nhân vùng trồng cao su. Nhà máy chế biến mủ cao su dự kiến sẽ đặt tại huyện Bảo Thắng và Bát Xát.
Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lào Cai đang tiến hành trồng vùng nguyên liệu theo lộ trình trồng đến đâu phát triển hạ tầng đến đó. Ông Nguyễn Đức Hiền, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Đến thời điểm này, công ty đã trồng mới được 45,5 ha cây cao su, phát hoang 527 ha, hạ băng cuốc hố được hơn 200 ha. Trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu, công ty phối hợp làm đường giao thông, xây dựng lâm trường… và 6,9 km đường giao thông đã hoàn thiện. Trong tương lai, hệ thống trường học, các công trình an sinh cho công nhân cao su sẽ được đầu tư xây dựng.
Chủ trương của tỉnh là quy hoạch vùng trồng cao su hiệu quả và thận trọng từng bước, bước đầu tập trung trồng và chăm sóc hơn 3.500 ha, sau khi đánh giá hiệu quả kinh tế sẽ tiếp tục mở rộng diện tích theo lộ trình quy hoạch, tránh tình trạng phát triển ồ ạt gây tác động ngược đối với mục tiêu của chương trình đã đề ra.