VDB: Công cụ đắc lực hỗ trợ đầu tư phát triển KT-XH
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ khánh thành công trình Thuỷ điện Sơn La
một trong những công trình quan trọng được VDB cấp vốn tín dụng
Trong quá trình hoạt động, VDB đã tạo lập được kênh huy động vốn, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước cho tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu, khẳng định vai trò “vốn mồi”, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Nâng cao hiệu quả vốn tín dụng của Nhà nước
Kể từ khi đi vào hoạt động đến hết năm 2012, không kể số thu hồi nợ vay, VDB đã huy động tổng số vốn hơn 250 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn trong và ngoài nước; cấp vốn tín dụng đầu tư cho nền kinh tế gần 150 nghìn tỷ đồng, góp phần tích cực thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên và các dự án khai thác tiềm năng các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn…
Cùng với đó là các dự án trọng điểm quốc gia như dự án Thủy điện Sơn La, Nhà máy thủy điện Lai Châu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, các nhà máy xi măng lớn theo quy hoạch của Chính phủ, các nhà máy cơ khí trọng điểm, vệ tinh Vinasat, phân bón DAP Hải Phòng, Apatit Lào Cai, đóng tàu biển, đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng...
Bên cạnh đó, VDB còn tập trung vốn để thực hiện chủ trương của Chính phủ về xã hội hóa y tế, giáo dục, nhà ở, bảo vệ môi trường, trồng rừng, kiên cố hóa kênh mương, tôn nền vượt lũ...
Thông qua các hình thức hỗ trợ gián tiếp: Bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất..., VDB đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, các chủ đầu tư tiếp cận được các nguồn vốn của ngân hàng thương mại, góp phần đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. VDB đã hỗ trợ sau đầu tư cho gần 3.000 dự án với tổng nguồn vốn 4.000 tỷ đồng; thực hiện bảo lãnh tín dụng gần 11 nghìn tỷ đồng cho hơn 1.500 dự án và phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Hiện nay, VDB là cơ quan thực hiện cho vay lại nguồn vốn ODA lớn nhất trong cả nước với 390 dự án, số vốn cho vay lại hơn 11 tỷ USD. VDB đã có quan hệ hợp tác với trên 100 tổ chức tài chính quốc tế.
Đẩy mạnh tái cơ cấu
Theo lộ trình tái cơ cấu thị trường tài chính, VDB sẽ được cơ cấu lại để tiếp tục là công cụ đắc lực của Chính phủ góp phần hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội đất nước với trình độ chuyên nghiệp cao, hội nhập sâu rộng hơn với thị trường quốc tế.
VDB phải hoạt động theo chuẩn mực của một ngân hàng hiện đại, an toàn, tăng trưởng bền vững trên cơ sở cân đối vững chắc nguồn-sử dụng vốn, cân đối tài chính.
VDB xác định tập trung thực hiện 5 nhóm vấn đề cơ bản. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2013-2020 bình quân 10%/năm, theo đó quy mô tài sản đến năm 2020 đạt khoảng 500.000 nghìn tỷ đồng so với số tổng tài sản gần 280.000 tỷ đồng vào cuối năm 2012.
Thứ hai, VDB xác định cơ cấu vốn chủ sở hữu và vốn huy động của ngân hàng phù hợp tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm. Xây dựng lộ trình tăng vốn chủ sở hữu nhằm đạt tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng dư nợ cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu phù hợp từng giai đoạn (dự kiến đạt tỷ lệ 10% vào năm 2015, khoảng 20.000 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.
Thứ ba, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt là các công tác thẩm định, giải ngân, quản lý thu hồi nợ. Đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính theo tiêu chuẩn của mô hình tổ chức tín dụng, đảm bảo nguyên tắc tài chính theo thông lệ quốc tế. Xây dựng và áp dụng cơ chế phân loại nợ phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù của VDB. Xây dựng cơ chế lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu theo nguyên tắc phi lợi nhuận song phải đảm bảo bù đủ chi phí về vốn, chi phí hoạt động và tăng dự phòng rủi ro.
Xây dựng cơ chế trích lập dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý rủi ro trong cho vay, bảo lãnh. Tích cực thu hồi và xử lý nợ xấu nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu tổng thể dưới 7% vào năm 2015, từ 4-5% vào năm 2020 và dưới 3% vào giai đoạn 2020-2030.
Thứ tư, tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực thi chính sách hỗ trợ phát triển theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, chương trình mục tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng nhằm phục vụ tốt hơn chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, đặc biệt triển khai hiệu quả nghiệp cụ cho vay thỏa thuận nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và giảm cấp bù của Nhà nước tiến tới tự chủ về tài chính.
Thứ năm, hoàn thiện mô hình quản trị, tổ chức bộ máy phù hợp tính chất đặc thù của ngân hàng chính sách với 100% vốn chủ sở hữu của Nhà nước. Hệ thống chi nhánh ngân hàng tổ chức theo hướng hình thành các chi nhánh khu vực theo lộ trình, đến năm 2015 toàn hệ thống còn 45 chi nhánh. Chuẩn hóa và chuyên nghiệp đội ngũ cán bộ. Phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm tra, kiểm soát và phân tích, cảnh báo rủi ro. Tăng cường kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngân hàng.
Các công trình VDB tham gia đầu tư đang phát huy hiệu quả:
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Nhà máy Thủy điện Sơn La
Phóng vệ tinh Vinasat