Khai mạc Hội nghị quốc tế về an ninh châu Âu tại Nga

Phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế “Các khía cạnh quân sự và chính trị của an ninh châu Âu” diễn ra tại thủ đô Moscow của Nga ngày 23/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Nga muốn tăng cường hợp tác an ninh ở châu Âu đồng thời không quan tâm tới một cuộc chạy đua vũ trang mới.
 
Một cuộc họp báo bên lề hội nghị. (Ảnh:AFP/TTXVN)
Ông Lavrov viện dẫn những ví dụ hợp tác hiệu quả giữa các nước để giải quyết những hiểm họa và thách thức mới, một trong số đó là hoạt động chống hải tặc và cho rằng mô hình như vậy hoàn toàn có thể hình thành sự hợp tác. Ông cũng cho rằng kết hợp những nỗ lực của cả Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) ở Afghanistan sẽ giúp ổn định tình hình tại quốc gia Tây Nam Á này.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký CSTO, ông Nikolai Bordyuzha cho rằng tổ chức sẵn sàng đối thoại với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) song không có ý định “phá cánh cửa đã đóng”. Theo ông Bordyuzha, đối thoại với NATO và sự phát triển của cuộc đối thoại này sẽ giúp các nước vượt qua các nguy cơ, thách thức, đó cũng là điều cấp thiết đối với cả hai tổ chức. Các vấn đề đối thoại có thể là: Đảm bảo ổn định tại Afghanistan; chống buôn bán ma túy và khủng bố; đảm bảo thông tin an ninh; chung tay giải quyết hậu quả thiên tai; trao đổi thông tin về các lực lượng phản ứng nhanh và gìn giữ hòa bình. Ông khẳng định CSTO đủ khả năng đảm bảo an ninh cho những nước thành viên đồng thời bày tỏ sự hài lòng đối với mức độ hợp tác giữa CSTO với các tổ chức khác như Liên hợp quốc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Tại hội nghị, Tổng Cục trưởng tình báo Bộ Tổng tham mưu Nga, Trung tướng Igor Sergun cho rằng số các nước sở hữu vũ khí hạt nhân có thể tăng lên trong tương lai. Tình trạng phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tại các quốc gia coi đây là những công cụ duy nhất để tự vệ là một xu thế đáng lo ngại.

Theo ông Sergun, trong số những nguy cơ bên ngoài đối với Liên bang Nga, ngoài việc triển khai các hệ thống vũ khí chiến lược mới còn có âm mưu gây bất ổn tình hình ở những nước nhất định, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và sự bùng phát gần đường biên giới Nga các cuộc xung đột tôn giáo và sắc tộc, cũng như hoạt động của các nhóm cực đoan vũ trang quốc tế. Ngoài ra, ông cũng nêu những nguy cơ mang tính đa quốc gia khác như cướp biển, quân sự hóa vũ trụ và hiểm họa trong không gian mạng.

Hội nghị quốc tế về an ninh ở châu Âu diễn ra trong 2 ngày 23 - 24/5 do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức. Mục đích của hội nghị là tạo ra một diễn đàn mở để thảo luận về các vấn đề đang tồn tại cũng như đưa ra các biện pháp để tìm ra giải pháp đôi bên cùng chấp nhận được nhằm đàm bảo nền an ninh bình đẳng ở châu Âu.

Tham gia hội nghị có hơn 250 đại biểu đại diện các Bộ Quốc phòng và Ngoại giao của Nga và Mỹ, Tổng Thư ký Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước châu Âu, các tổ chức quốc tế như NATO, Liên minh châu Âu (EU), CSTO cùng đại diện các tổ chức tư vấn của châu Âu và Nga./.

(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Các nước bịt “lỗ hổng” thuế quan thương mại điện tử như thế nào?

Đứng trước nỗi lo “cơn lốc hàng giá rẻ” tràn qua biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, nhiều quốc gia trên thế giới đã vào cuộc để cập nhật và cải cách ngưỡng áp thuế để phù hợp với thực tế mới.

Giấc mơ trở thành vựa lương thực thế giới của Indonesia

Theo báo Jakarta Post, hiện nay, tự cung tự cấp lương thực vẫn là một khát vọng hơn là thành tựu ở Indonesia.

Khai mạc Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 4/11, Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12 (WUF12) đã khai mạc tại Thủ đô Hành chính Mới (New Cairo) của Ai Cập, đánh dấu sự trở lại của diễn đàn này ở châu Phi lần đầu tiên sau 22 năm.

Liên hợp quốc ưu tiên ủng hộ xây dựng hệ thống lương thực thông minh

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi ứng dụng công nghệ để chuyển đổi hệ thống nông-lương thực tại châu Phi và coi đây là “chìa khóa” để giải quyết nạn đói vốn là căn bệnh kinh niên ở châu lục này.

Chìa khóa của phát triển bền vững

Vốn chịu sức ép từ nhiều cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp, khó có thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh này, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hối thúc các quốc gia, nhất là các nước đang phát...

Xu hướng xanh hóa nông nghiệp ở Bắc Âu và bài học cho nông sản Việt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, xu hướng phát triển nông nghiệp xanh ngày càng được các quốc gia Bắc Âu thúc đẩy, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với những bước tiến tiên phong trong nông nghiệp bền vững, các nước Bắc Âu như Thụy...