Các nguồn viện trợ tới châu Phi đang bị giảm mạnh
Thủ đô Abuja của Nigeria. (Nguồn: AFP) |
Nằm trong nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” chung, nhiều nước châu Âu đã giảm số văn phòng đại diện ở nước ngoài, thắt lại ngân sách viện trợ. Đặc biệt, Tây Ban Nha đã giảm một nửa ngân sách phát triển. Tuy nhiên, khoảng 26 tỷ USD vẫn đổ về châu Phi, nhưng với thông điệp rõ ràng: Tiền hỗ trợ “đang nằm trên thớt”. Nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng này là chính sách khắc khổ đang được áp dụng tại các nước đã phát triển.
Trong 50 năm qua, đã có nhiều đổi thay trong mối quan hệ giữa châu Phi và phương Tây. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo khu vực cận Sahara sẽ tăng trưởng với nhịp độ 5,4% trong năm nay - một con số mà phương Tây chỉ có thể nằm mơ.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, Paul Collier, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế châu Phi thuộc Đại học Oxford nhận định các nền kinh tế thị trường mới nổi không cần viện trợ. Nhu cầu viện trợ giảm cũng phù hợp với chính sách thắt lại ngân sách ở các nước OECD.
Trong khi các nhà tài trợ “đóng băng” khoản hỗ trợ ước lên tới 11% ngân sách của Rwanda, quốc gia này đã huy động 3,5 tỷ USD qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ. Mới đây Anh cũng công bố chấm dứt hỗ trợ trực tiếp cho Nam Phi. Và đây là ví dụ tiêu biểu cho xu hướng này.
Winnie Byanyima, Giám dốc điều hành Tổ chức Hỗ trợ quốc tế Oxfam cho biết tiền từ các nước giàu đã giúp cải thiện nhiều trong lĩnh vực y tế. Hiện Oxfam đang khuyến khích các nước nghèo lập kế hoạch về hướng đi không có viện trợ, nhằm sử dụng tốt hơn các nguồn nội lực hiện có. Các nước đang phát triển cần khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài và tư nhân vào tiến trình phát triển./.