Lào Cai: Phát huy hiệu quả từ các dự án do WB và DFID tài trợ
Những năm qua, nhờ vào đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nhà tài trợ quốc tế như: Ngân hàng thế giới (WB), Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB),... mà một tỉnh biên giới còn gặp nhiều khó khăn như Lào Cai đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi trong phát triển kinh tế - xã hội.Đến hết năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo còn 27,69% (giảm bình quân hàng năm 7,8%); 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 80% các xã có đường xe cơ giới. Hệ thống thủy lợi đã đảm bảo tưới tiêu cho 85% diện tích ruộng; 100% xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế xã; 84% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm. Chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 99,5%. Các nguồn lực đầu tư đã và đang tích cực hỗ trợ cho chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP của Lào Cai đạt trên 14%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, cơ sở hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước, các trường học, trạm y tế,…được cải thiện đáng kể; chất lượng giáo dục được nâng lên; công tác đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện tốt; chú trọng công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức tự vươn lên thoát nghèo và phấn đấu vươn lên làm giàu; cải cách hành chính thu được nhiều kết quả; đạt 27/28 chỉ tiêu kinh tế xã hội; thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 3.000 tỷ đồng; chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 3 năm liên tục đứng trong tốp đầu toàn quốc.
Thời gian tới, Lào Cai sẽ đẩy mạnh các giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thành lập bộ phận chuyên trách, có tính chuyên nghiệp cao để quản lý, thực hiện các chương trình, dự án ODA nói chung và của tổ chức WB, DFID nói riêng từ khâu vận động, chuẩn bị, tiếp nhận đến thực hiện. Áp dụng một số giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả của các nguồn vốn đầu tư như: Rút ngắn trình tự, thủ tục có liên quan; lựa chọn cán bộ đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý các dự án ODA để bố trí vào các vị trí chủ chốt trong Ban quản lý dự án; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cán bộ Ban quản lý dự án các cấp để thực hiện tốt các dự án theo phân cấp; tuyển chọn một cách kỹ lưỡng đơn vị tư vấn và thực hiện dự án, khuyến khích sự liên doanh giữa đơn vị nước ngoài và trong nước cùng thực hiện; tăng cường công tác giám sát trong quá trình thi công dự án nhằm đem lại chất lượng công trình và hiệu quả của đồng vốn ODA; quan tâm ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo theo tỷ lệ giải ngân vốn ODA trong các hoạt động theo cam kết./.