Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao FEALAC lần thứ 6

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh lần thứ 6 (FMM FEALAC 6) đã khai mạc ngày 13/6 tại hòn đảo du lịch Bali của Inđônêxia.
 
Hội nghị năm nay diễn ra trong 2 ngày do Inđônêxia và Côlômbia đồng chủ trì, với sự tham dự của 2 Phó Thủ tướng, 15 Bộ trưởng và 12 Thứ trưởng ngoại giao cùng 7 quan chức cấp cao các nước thành viên FEALAC và Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Lê Lương Minh.
 
FMM FEALAC 6 chủ yếu tập trung thảo luận các vấn đề và các biện pháp tăng cường hợp tác giữa 2 khu vực trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, du lịch, nghiên cứu đa dạng sinh học, thực phẩm và ngành công nghiệp chế tạo máy bay, vì lợi ích của đôi bên.
 
                                                                                   
                                                                         Ảnh minh họa. (Nguồn: jpnn.com)

Tổng Vụ trưởng Mỹ và châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Inđônêxia, Dian Triansyah Djani nhấn mạnh các nền kinh tế Đông Á và Mỹ Latinh đã đạt tăng trưởng nhanh, ổn định trong những năm qua, với mức tăng trung bình trên 5%, trong đó một số nền kinh tế thành viên đạt trên 6%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của 2 khu vực chiếm 24% tổng FDI toàn cầu. 8 nước trong Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) là thành viên FEALAC.
 
Thương mại giữa hai khu vực chiếm tới 30% tổng thương mại toàn cầu. Khu vực Đông Á và Mỹ Latinh chiếm 40% dân số toàn cầu và 34% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới. Dự kiến, hai khu vực này có thể đóng góp tới 66% tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2013 và tiếp tục xu hướng này trong những năm tiếp theo và tới năm 2030 sẽ có tầng lớp trung lưu chiếm tới 72% tổng dân số.
 
Tổng Vụ trưởng Dian Triansyah Djani nêu rõ cả 2 khu vực đều có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Mỹ và châu Âu, song chưa tối ưu hóa hợp tác lẫn nhau. Do vậy, FEALAC là một cơ hội lớn cho các nước ở cả 2 khu vực tăng cường hợp tác và cùng gặt hái những lợi ích thiết thực từ việc tăng cường hợp tác lẫn nhau.
 
Bên cạnh đó, 2 khu vực nói chung và các nền kinh tế của 2 khu vực nói riêng còn có rất nhiều lợi thế bổ sung cho nhau. Chẳng hạn, Inđônêxia và Braxin cùng có sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú, có thể hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Mỹ Latinh nổi tiếng với các di sản của nền văn minh Maya và Aztek, còn Đông Á có đền Borobudur của Inđônêxia, Angkot Wat của Campuchia...
 
FEALAC chiếm tới 57% diện tích rừng nhiệt đới của thế giới, trong đó Braxin và Inđônêxia được coi là 2 lá phổi lớn nhất của hành tinh. Các nước Mỹ Latinh có thế mạnh về sản xuất ngũ cốc và các nước Đông Á có thế mạnh về sản xuất lúa gạo có thể cùng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cho nhau. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng làm nền tảng cho sự tăng cường hợp tác và đạt được lợi thế tối đa từ hợp tác là cả hai khu vực cần cải thiện kết nối, trong đó bao gồm việc thiết lập và tăng cường các tuyến bay trực tiếp giữa 2 khu vực.
 
FEALAC chủ yếu bao gồm các cuộc họp thường xuyên được tổ chức ở 3 cấp độ: Các Bộ trưởng Ngoại giao, các quan chức cấp cao và các quan chức làm việc.
 
Trước thềm FMM FEALAC 6, trong 2 ngày 11 - 12/6 tại Bali đã diễn ra các Hội nghị lần thứ 11 Nhóm công tác về chính trị, văn hóa, giáo dục và thể thao; Hội nghị lần thứ 10 Nhóm công tác về kinh tế và xã hội; Hội nghị lần thứ 9 Nhóm công tác về khoa học và công nghệ; Hội nghị lần thứ 4 Tiểu nhóm làm việc về du lịch và Hội nghị quan chức cấp cao FEALAC lần thứ 14.
 
FEALAC được thành lập vào năm 1999, với tên gọi ban đầu là Diễn đàn Đông Á - Mỹ Latinh (EALAF) như một diễn đàn chính thức để liên kết các nước châu Á và Mỹ Latinh và là diễn đàn cầu nối duy nhất giữa 2 khu vực. Hiện FEALAC có 36 thành viên, gồm 16 nước châu Á và 20 nước Mỹ Latinh./. 

(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Các nước bịt “lỗ hổng” thuế quan thương mại điện tử như thế nào?

Đứng trước nỗi lo “cơn lốc hàng giá rẻ” tràn qua biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, nhiều quốc gia trên thế giới đã vào cuộc để cập nhật và cải cách ngưỡng áp thuế để phù hợp với thực tế mới.

Giấc mơ trở thành vựa lương thực thế giới của Indonesia

Theo báo Jakarta Post, hiện nay, tự cung tự cấp lương thực vẫn là một khát vọng hơn là thành tựu ở Indonesia.

Khai mạc Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 4/11, Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12 (WUF12) đã khai mạc tại Thủ đô Hành chính Mới (New Cairo) của Ai Cập, đánh dấu sự trở lại của diễn đàn này ở châu Phi lần đầu tiên sau 22 năm.

Liên hợp quốc ưu tiên ủng hộ xây dựng hệ thống lương thực thông minh

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi ứng dụng công nghệ để chuyển đổi hệ thống nông-lương thực tại châu Phi và coi đây là “chìa khóa” để giải quyết nạn đói vốn là căn bệnh kinh niên ở châu lục này.

Chìa khóa của phát triển bền vững

Vốn chịu sức ép từ nhiều cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp, khó có thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh này, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hối thúc các quốc gia, nhất là các nước đang phát...

Xu hướng xanh hóa nông nghiệp ở Bắc Âu và bài học cho nông sản Việt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, xu hướng phát triển nông nghiệp xanh ngày càng được các quốc gia Bắc Âu thúc đẩy, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với những bước tiến tiên phong trong nông nghiệp bền vững, các nước Bắc Âu như Thụy...