Độc đáo lễ đặt tên của người Dao đỏ ở Lào Cai

Người Dao đỏ ở Lào Cai sinh sống tập trung đông nhất ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng. Người Dao đỏ coi việc đặt tên là việc hệ trọng trong cuộc đời con người cho nên từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, người Dao đỏ phải qua 3 lần đặt tên. Lần thứ nhất vào ngày đứa bé tròn 1 tháng tuổi, lần 2 khi đứa trẻ lên 15 - 16 tuổi, lần 3 là vào ngày xây dựng gia đình.

Múa phép tại lễ đặt tên.

Việc đặt tên của người Dao đỏ còn liên quan đến tổ tiên, thứ bậc của dòng họ. Mỗi dòng họ được đặt tên theo thứ tự, cấp bậc để phân biệt giữa các thành viên trong dòng họ, mỗi cấp bậc phải qua 5 đời mới được quay lại một lần để đặt tên. Vì vậy, khi đặt tên, gia đình, dòng họ xem xét rất kỹ thứ tự trong dòng họ mình, sau đó làm lễ xin phép tổ tiên “bàn vương”, không được đặt tên trùng với tên tổ tiên (kể cả những người đã mất từ 5 đời trở lại).

Lễ đặt tên được tiến hành qua nhiều nghi lễ khác nhau, mỗi nghi lễ diễn ra từ 2 - 3 ngày. Chủ lễ là 2 thầy cúng (1 thầy chính và 1 thầy phụ), 2 thầy cúng phải là người cùng dòng họ với gia đình đứa trẻ, hiểu biết về phong tục, có nhiều đức tính tốt; những người phụ lễ phải là những bậc cao niên, hiểu biết về phong tục tập quán dân tộc mình.

Một nghi lễ không thể thiếu tại lễ đặt tên.

Tại lễ đặt tên, ngoài 2 thầy cúng và những người phụ lễ còn phải tìm 6 thanh niên (3 nam, 3 nữ) chưa xây dựng gia đình và là những thanh niên thông minh, nhanh nhẹn, thuộc những bài hát đối đáp để thực hiện các bài hát đối đáp trong lễ đặt tên.

Cùng với hát đối đáp còn có các điệu múa (múa phép). Đội múa từ 5 - 7 người (có thể nhiều hơn) là những thanh niên nam, nữ trẻ, khoẻ, đẹp, các động tác múa diễn ra theo từng nghi lễ khi thầy cúng yêu cầu. Trong nghi lễ, đứa trẻ được đặt tên cùng ông nội và những người trong đội múa phải mặc quần áo mới nhiều hoa văn rực rỡ, lưng thắt một sợi vải màu đỏ, đầu đội khăn quấn theo hình con vẹt (đối với nam), nữ đội khăn đỏ theo kiểu truyền thống. Cuối nghi lễ, thầy cúng chính thay bộ quần áo bằng màu xanh lá cây, đứa trẻ được đặt tên cũng phải thay đổi kiểu áo theo tiến trình của từng nghi lễ.

Lễ vật dùng trong lễ đặt tên gồm: 4 con lợn từ 20 - 60 kg/con (tuỳ vào điều kiện của mỗi gia đình), 20 chiếc bánh gạo nếp, 5 lít rượu. Hai con lợn cạo sạch lông để làm lễ cúng tổ tiên, thần linh cùng một ít tiền âm phủ; 2 con lợn còn lại làm cỗ thiết đãi mọi người tới dự và chứng kiến lễ đặt tên cho đứa trẻ.

Trong 3 lần đặt tên của người Dao đỏ, lần đặt tên thứ 2 mới là tên gọi chính thức thường dùng trong khi giao tiếp ở gia đình và ngoài xã hội. Tên gọi trong lễ đặt lần thứ 3 chỉ dùng khi cúng lễ hoặc khi chết con cháu dùng tên này để gọi hồn về thờ cúng./.

(Theo Báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra Festival “Sa Pa thổ cẩm miền sương mây”

Festival Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 08/11 – 10/11/2024 tại 02 Fansipan, khuôn viên Nhà du lịch Sa Pa, công viên văn hóa thị xã Sa Pa.

Hiệu quả Dự án 8 ở xã biên giới A Mú Sung

Hiệu quả lớn nhất mà Dự án 8 mang lại chính là đã giúp phụ nữ và trẻ em nữ trên địa bàn xã A Mú Sung, huyện Bát Xát có thêm nhiều cơ hội tham gia các hoạt động của xã hội, nâng cao hiểu biết và khẳng định vị thế của mình.

Hoa của núi

Lào Cai giành 3 giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III năm 2024

Chiều 1/11, tại tỉnh Sơn La, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 29, năm 2024.

Tiệm tranh nhỏ miền sương mây

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...