Chiến thắng Khe Sanh 1968: Sức mạnh Việt Nam
Các nhân chứng lịch sử giao lưu tại chương trình. Ảnh: Báo Quảng Trị
Cách đây 45 năm, vào ngày 20/1/1968, bằng trí thông minh và tinh thần quả cảm, quân và dân các dân tộc huyện Hướng Hóa đã sát cánh cùng các quân đoàn, sư đoàn, binh chủng, các đơn vị chủ lực, đồng loạt tấn công các cứ điểm của địch ở Khe Sanh làm đòn nghi binh chiến lược cho chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.
Sau 170 ngày đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí và kiên cường, quân và dân ta đã giành chiến thắng hoàn toàn, tiêu diệt 11.900 tên địch; bắn rơi, bắn cháy hàng trăm máy bay và nhiều xe quân sự khác...
Ngày 9/7/1968 lá cờ chiến thắng của quân giải phóng kiêu hãnh tung bay trên sân bay quân sự Tà Cơn. Với chiến thắng này, Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, được đánh giá như một “Điện Biên Phủ thứ hai”. Chiến thắng Khe Sanh, Hướng Hóa đã góp phần buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Paris.
Chiến thắng Khe Sanh là một chiến thắng có ý nghĩa rất quan trọng: lần đầu tiên quân đội nhân dân Việt Nam dàn trận ở cấp sư đoàn, lần đầu tiên quân đội Mỹ sử dụng hỏa lực và yểm trợ hàng không dày đặc nhất trong lịch sử chiến tranh và lần đầu tiên trong lịch sử quân đội Mỹ phải rút bỏ một căn cứ trọng yếu do áp lực từ đối phương.
Chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Khe Sanh 1968 – Sức mạnh Việt Nam” đã tái hiện lại trận đánh có ý nghĩa quyết định chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa của 45 năm trước.
Chương trình có sự tham gia của hơn 300 diễn viên chuyên nghiệp Nhà hát Ca kịch Huế, lực lượng bộ đội địa phương và bà con các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở Quảng Trị. Chương trình đã mang đến những ca khúc đi cùng năm tháng để nhớ lại những ngày tháng chiến tranh ác liệt năm xưa.
Trong khuôn khổ chương trình, khán giả được xem các trích đoạn phim tài liệu về Khe Sanh của Mỹ, Anh, Pháp; gặp gỡ các nhân chứng lịch sử qua các phóng sự như: bà A Rơng (trú tại bản Mỹ Yên, Hạ Lào) là nhân chứng còn sót lại trong vụ thảm sát ở Làng Vây năm 1967, các cựu chiến binh Trung đoàn 101 Sông Lam...
Bên cạnh đó là cuộc giao lưu với các cựu chiến binh, những người trực tiếp tham gia chiến đấu tại Khe Sanh như: Thiếu tướng Lê Xuân Tống, người lái xe tăng mang biển số 555 tấn công vào Làng Vây; cựu chiến binh Đào Xuân Thái, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Phai Khắt... Các nhân chứng lịch sử đã kể lại những câu chuyện cảm động về tinh thần chiến đấu dũng cảm, ác liệt và mưu trí của quân và dân ta. Những người lính năm xưa tham gia chiến dịch Khe Sanh tham gia chương trình đã ôn lại những kỷ niệm, sự ác liệt của những đợt càn quét, những đợt bom Mỹ tàn phá mảnh đất làng Vây, sân bay Tà Cơn, Khe Sanh, Hướng Hóa.
Chương trình nghệ thuật Khe Sanh 1968 - Sức mạnh Việt Nam kết thúc bằng màn bắn pháo hoa tầm thấp tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa.