Lễ cưới của người Thu Lao
Mỗi dân tộc có phong tục cưới hỏi khác nhau, người Giáy đón dâu chăng dây ở cổng, người Dao đón dâu với điệu múa bát quái… còn người Thu Lao đón dâu bằng ngựa hồng. Đến nay, tập quán độc đáo này vẫn được giữ gìn và duy trì ở vùng Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương.Cô dâu, chú rể hành lễ trước bàn thờ tổ tiên. |
Lễ cưới thường được người Thu Lao tổ chức sau mùa thu hoạch. Thời gian này, lúa ngô đã đầy nhà, con lợn nuôi đã béo, gia đình nhà trai nhờ hai ông mối đi hỏi và đón dâu. Ngày đón dâu, đoàn nhà trai gồm có thầy mối, hai ông thợ kèn và những người đưa lễ vật lên đường đến nhà gái. Người Thu Lao quan niệm đi đón dâu phải là số lẻ, khi đón được con dâu về là số chẵn mới hạnh phúc, phát triển. Con ngựa để cô dâu cưỡi được buộc một sợi dây vải màu đỏ bên tai trái nên gọi là “ngựa hồng”. Khi đón cô dâu, nhà gái buộc một dây vải đỏ bên tai phải để vắt chéo nhau ý nghĩa gắn kết hai vợ chồng, luôn may mắn trong cuộc sống. Thời gian đoàn đi đón thường vào lúc 4 - 5 giờ sáng, đến 7 - 8 giờ thì đón dâu về nhà trai.
Dẫn đầu đoàn đón dâu là hai ông thợ kèn, tiếp theo là hai ông mối và những người khác. Khi đến trước cửa nhà gái, các thầy mối của nhà trai hát xin nhà gái mở cửa, hát xin đủ ba lần thì nhà gái mở cửa cho đoàn vào. Lễ vật và tiền giấy được ông mối nhà trai giao cho ông mối nhà gái kiểm đếm, nếu đủ, nhà gái đồng ý cho nhà trai đón dâu về. Lúc này, hai ông thợ kèn thổi bài mừng đám cưới, bài xin dâu, chúc cô dâu, chú rể sống hạnh phúc...
Đến giờ tốt, ông mối nhà trai xin được đón dâu. Theo phong tục, cô dâu che mặt bằng khăn vải đỏ, anh trai cô dâu bế em gái lên ngựa hồng, người dắt ngựa là em trai ruột hoặc em trai họ của chú rể vì người Thu Lao quan niệm em chú phải đón chị dâu về cho anh trai. Khi qua cửa, cô dâu bước qua chiếc yên ngựa có ý nghĩa cô dâu ngoan hiền, chăm chỉ. Chú rể mặc trang phục truyền thống, đón cô dâu ở cửa.
Đoàn đưa dâu vào nhà và đóng kín cửa, mọi người trải chiếu để ông mối làm thủ tục trước bàn thờ gia tiên làm lễ nhập khẩu cho con dâu mới. Những người phù dâu, phù rể phải giúp đôi vợ chồng son nhảy trong chiếu ra mắt gia tiên, bố mẹ, anh em họ hàng. Sau nghi lễ ra mắt, cô dâu, chú rể dưới sự trợ giúp của phù dâu, phù rể cùng nhau chạy vào tranh nhau chỗ ngủ, bên nam với sức mạnh vượt trội chiếm được chiếc giường, phần thắng thuộc về chú rể. Việc cô dâu, chú rể tranh giường có ý nghĩa thể hiện sự làm chủ của người đàn ông trong gia đình. Trong ngày cưới, cô dâu, chú rể bê khay rượu hồng mời những người cao tuổi, những người này đều chúc phúc cho đôi vợ chồng sẽ bên nhau hạnh phúc, sớm có tin vui. Sau đó, cả chủ và khách ăn uống vui vẻ mừng gia chủ có con dâu mới, con dâu tốt, chúc mừng đôi bạn trẻ hạnh phúc…