Tết “khu già già” của người Hà Nhì ở Ý Tý
Sau khi “công viên” đã được chuẩn bị đầy đủ sẽ diễn ra nghi lễ mổ trâu tế thần rừng vào sáng ngày Tỵ (trâu được bà con góp thóc mua của một gia đình trong thôn, tương đương với 5 - 6 tấn thóc). Thịt trâu sau đó sẽ được chia đều cho các gia đình trong thôn. Các gia đình dùng thịt trâu cùng với các nông sản làm cơm cúng tổ tiên vào buổi chiều cùng ngày.
Một công việc nữa rất quan trọng chuẩn bị cho việc vui chơi trong ngày Tết, đó là một số nam thanh niên trong các thôn được cử lên rừng lấy cây về làm đu và bập bênh, công việc này đòi hỏi hoàn thành trong buổi sáng của ngày Tỵ. Bên cạnh những công việc của đàn ông thì phụ nữ trong thôn được giao đảm nhiệm nhiều công việc như làm bánh giầy để chia đều cho các gia đình; dọn dẹp đường làng ngõ xóm, nhà cửa; chuẩn bị quần áo mới cho cả gia đình đón Tết “khu già già”.
Chiều muộn ngày Ngọ, ngày thứ 3 của Tết “khu già già”, nghi lễ cúng chính thức của mỗi thôn sẽ diễn ra tại “công viên”, có 16 - 20 gia đình uy tín trong thôn được tham gia lễ cúng này, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cơm bao gồm thịt trâu mổ từ hôm trước, cùng các sản vật địa phương và rượu. Đúng giờ đã định, hai thầy cúng tiến hành hành lễ, cầu xin các thần phù hộ cho dân làng. Sau lễ cúng, mâm cúng được hạ xuống, mọi người được mời ăn các lễ vật cúng tại “công viên” chúc nhau sức khoẻ, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi. Sáng ngày Mùi, tất cả các điểm “công viên” ở các thôn đều diễn ra các trò chơi dân gian của Tết “khu già già”.
Một số hình ảnh về ngày Tết “khu già già” của người Hà Nhì ở Ý Tý: