Tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đối ngoại nhân dân
Với 24 triệu đồng bào có đạo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam đang diễn ra vô cùng phong phú.Hòa thượng Thích Trí Quảng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (bên trái)
dự Hội nghị Vesak tại Thái Lan
Theo đánh giá của Ban Tôn giáo Chính phủ, trong những năm qua, cùng với sự hội nhập và phát triển của đất nước, các tôn giáo không ngừng đổi mới và hội nhập, tạo nên một diện mạo mới trong bức tranh tôn giáo ở Việt Nam.
Hiện nước ta có 13 tôn giáo với 24 triệu tín đồ, trong đó Phật giáo có 11 triệu tín đồ; Công giáo có 6,2 triệu tín đồ; Tin lành có 1 triệu tín đồ; Cao đài có khoảng 2,4 triệu tín đồ… 37 tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp phép hoạt động.
Trong hoạt động đối ngoại quốc tế về công tác tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đã chủ động nâng cao chất lượng đoàn ra, tranh thủ các đoàn vào tuyên truyền về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và chính sách tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Ban đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong nước mở rộng quan hệ đối ngoại với các tổ chức, cá nhân tôn giáo nước ngoài nhằm trao đổi thông tin về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Nhà nước ta.
Công tác đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước được Ban Tôn giáo Chính phủ duy trì thường xuyên thông qua hoạt động phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các ban, ngành liên quan.
Ngày 16/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, mặc dù vẫn còn một vài điểm chưa hài lòng, nhưng các nước phương Tây vẫn ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện chính sách tôn giáo của Nhà nước Việt Nam.
Hiện nay, trong số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao, tất cả các nước đều có tín đồ tôn giáo và nhiều tổ chức tôn giáo của Việt Nam đã có quan hệ với các tổ chức tôn giáo trên thế giới như: Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, Tin lành….
Tuy nhiên, công tác đối ngoại tôn giáo trên diện rộng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, cần đẩy mạnh công tác đối ngoại tôn giáo trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác đối ngoại tôn giáo trong chính sách đối ngoại nói chung của Việt Nam và khẳng định, đối ngoại tôn giáo đã giúp cho bạn bè quốc tế hiểu rõ đời sống tôn giáo ở Việt Nam, chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
Phó Thủ tướng chỉ đạo phải tăng cường công tác đối ngoại tôn giáo, đặc biệt là quan hệ với các nước láng giềng gần gũi như: Lào, Campuchia và các nước có đông tín đồ tôn giáo, duy trì các cuộc tiếp xúc với Vatican, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng tầm uy tín của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các tôn giáo tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân, nhằm làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế và các tổ chức tôn giáo trong khu vực và trên thế giới hiểu về chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước và tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Thực hiện tốt chính sách đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có việc chăm lo đời sống tôn giáo cho kiều bào, giúp họ tin tưởng vào chính sách đổi mới trong đó có chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
Các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền về đường lối chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, làm thất bại luận điệu xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo và chính sách tôn giáo của Việt Nam.
Đối với công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ năng lực cán bộ, đáp ứng yêu cầu của công tác tôn giáo trong tình hình mới, hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo, vừa đáp ứng được tình hình thực tế của Việt Nam vừa phù hợp với luật pháp quốc tế. /.