Bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa
Rước Kiệu tại Lễ Hội Đền Thượng, Xuân Quý Tỵ 2013 |
Một đặc điểm dễ nhận thấy của hệ thống di tích lịch sử văn hóa Lào Cai là vừa phân bổ ở hầu khắp các địa phương, vừa tập trung vào một số vùng trọng điểm. Những cái nôi văn hoá lớn là nơi tập trung nhiều di tích như thành phố Lào Cai với hệ thống di tích: Đền Thượng, Đền Mẫu, Khu căn cứ cách mạng Cam Đường (di tích cấp quốc gia), Đền Đôi Cô - Chùa Cam Lộ, Di tích lịch sử cách mạng Cục 17 - Bộ Công An (di tích cấp tỉnh); ở Sa Pa là hệ thống di tích: Khu chạm khắc Đá Cổ, Núi Hàm Rồng (di tích cấp quốc gia), Đền Hàng Phố, Đền Mẫu Sơn, Đền Mẫu Thượng (di tích cấp tỉnh); huyện Bảo Yên với đền Bảo Hà, Di tích lịch sử chiến thắng đồn Phố Ràng, di tích thành cổ Nghị Lang (di tích cấp quốc gia), Khu di tích lịch sử Cách Mạng Việt Tiến, Di tích chiến thắng Nghĩa Đô (di tích cấp tỉnh)… Đây là lợi thế quan trọng cho công tác quy hoạch thành tua, tuyến để phát triển du lịch văn hoá tâm linh trên địa bàn.
Sau khi được xếp hạng, hầu hết các địa phương, đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận bằng di tích và hoạt động này trong những năm qua đã thực sự trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá, ngày hội tôn vinh công trạng của cha ông để giáo dục truyền thống và bản sắc văn hoá cho các thế hệ... Mặt khác, việc xếp hạng di tích đã tạo nên một hành lang quan trọng cho việc vận động các nguồn lực theo phương thức xã hội hóa để tôn tạo, tu bổ di tích. Đến nay, hầu hết di tích quốc gia đều đã được đầu tư chống xuống cấp bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá và các nguồn vốn huy động khác; trong đó một số di tích được đầu tư tập trung với quy mô lớn như: Đền Trung Đô, Đền Bắc Hà…
Công tác quản lý, khai thác hệ thống di tích cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Một số di tích trọng điểm đã có Ban quản lý chuyên trách như Ban quản lý khu di tích thành phố Lào Cai, chịu trách nhiệm quản lý 7 điểm di tích trên địa bàn: Đền Thượng, Đền Am, Đền Mẫu, Đền Cấm, Đền Quan, Đền Đôi Cô và chùa Tân Bảo. Công tác quản lý nhà nước về di tích cũng được tăng cường. Hầu hết việc tổ chức lễ hội ở các di tích đều được ngành văn hóa cấp phép và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức theo Quy chế do Bộ ban hành. Ngành cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, hướng dẫn hoạt động tại các di tích, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, lệch lạc, nhất là trong việc trùng tu, tôn tạo, trong quản lý thu và sử dụng tiền công đức, hoạt động các dịch vụ...
Nhìn chung, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Lào Cai ngày càng được chú trọng, đóng một vai trò to lớn trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho cán bộ và nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng và đang trở thành kho tài nguyên vô giá cho việc khai thác du lịch, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để tiến hành lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận 7 di tích, danh thắng cấp quốc gia và 5 di tích, danh thắng cấp tỉnh. Đây là nguồn lực rất lớn để Lào Cai phát triển điểm đến du lịch văn hóa, du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút du khách tham quan. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành và cán bộ, nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, qua đó nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong việc xã hội hóa và phát huy giá trị của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai./.