Tăng cường hợp tác thương mại với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ được hai bên phối hợp kiểm soát chặt chẽ; hàng hóa nhập khẩu đã đáp ứng tốt nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước; trao đổi cư dân biên giới đã góp phần tiêu thụ nông sản phẩm, cung cấp vật tư nguyên liệu, công cụ nhỏ, dụng cụ gia đình,… thúc đẩy quá trình sản xuất và cải thiện đời sống đồng bào khu vực biên giới.
Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, từ năm 2001 đến nay, tỉnh Lào Cai và Vân Nam đã phối hợp luân phiên tổ chức hội chợ thương mại quốc tế biên giới Việt - Trung. Qua các kỳ hội chợ, số lượng doanh nghiệp tham gia ngày càng tăng, các hoạt động ký kết hợp đồng kinh tế, hội thảo, hội đàm,... đã góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Năm 2009, hội chợ được tổ chức tại Lào Cai (Việt Nam) đã thu hút được 249 doanh nghiệp tham gia 648 gian hàng, trong đó có 99 doanh nghiệp đến từ 16 tỉnh, thành phố của Trung Quốc tham gia 200 gian hàng; 14 hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp hai bên được ký với tổng giá trị đạt 114 triệu USD. Năm 2012, hội chợ được tổ chức tại Hà Khẩu (Trung Quốc) đã thu hút hơn 500 tổ chức, doanh nghiệp tham gia với 1.200 gian hàng; có 97 tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam tham gia với 250 gian hàng; các doanh nghiệp hai bên đã ký kết 18 cặp hợp đồng kinh tế, giá trị gần 340 triệu USD.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai còn tích cực đẩy mạnh chương trình công tác xúc tiến thương mại, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thương vụ, các hiệp hội xúc tiến tỉnh Vân Nam - Trung Quốc giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ hàng xuất khẩu tại Côn Minh và một số hội chợ khác.
Hội chợ xuất nhập khẩu Côn Minh (Trung Quốc) – 2012. |
Hai bên cũng đã thống nhất ký Biên bản hợp tác trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Tôn trọng chính sách pháp luật của hai bên khi triển khai công tác duy trì quyền lợi người tiêu dùng xuyên biên giới; sử dụng tin tức duy trì quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức các đoàn thăm và làm việc, gặp gỡ định kỳ luân phiên và tăng cường công tác thông tin liên lạc giữa hai bên.
Các dịch vụ thương mại được đẩy mạnh, bộ phận cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đã được Bộ Công thương thành lập tại Lào Cai, Hải quan Lào Cai thực hiện Hải quan điện tử, tạo môi trường thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu. Các ngân hàng thương mại Lào Cai đã hợp tác với các ngân hàng thương mại tỉnh Vân Nam triển khai việc thanh toán quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân thanh toán thuận lợi.
Tuy nhiên, trong công tác hợp tác giữa hai tỉnh vẫn còn một số khó khăn: Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của Lào Cai tăng trưởng không ổn định, thị trường có nhiều biến động, hàng hóa chủ yếu là hàng nguyên liệu thô, có tính thời vụ; phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách của mỗi bên như: Quản lý, khai thác, xuất khẩu khoáng sản thô của Việt Nam; chính sách hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm như phân bón, hóa chất, than cốc, phôi thép... của Trung Quốc.
Phần lớn các doanh nghiệp trong nước chủ yếu sử dụng phương thức buôn bán tiểu ngạch là chính, chưa quan tâm nhiều đến buôn bán chính ngạch nên thường gặp rất nhiều rủi ro khi cơ chế, chính sách biên mậu của Trung Quốc thay đổi. Thiếu kinh phí trong các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư dẫn đến việc tham gia và tổ chức cho các đoàn doanh nghiệp tham gia các hội thảo xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm thương mại; khảo sát thị trường nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong thời gian tới, hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) – Vân Nam (Trung Quốc) tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, trong đó trọng tâm là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xúc tiến thương mại, quản lý thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tích cực thúc đẩy các dự án đang hợp tác đầu tư với Vân Nam tại Lào Cai như các dự án chuẩn bị đầu tư về trung tâm thương mại, khách sạn, khu du lịch, kho hàng hóa. Không ngừng nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm giữa Lào Cai và Vân Nam nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại sâu, rộng và hiệu quả cao.