Lào Cai tích cực tham gia Công ước Cites về bảo vệ động vật hoang dã
Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật nguy cấp (CITES), tỉnh Lào Cai đã tích cực triển khai các biện pháp thiết thực, hiệu quả nhằm thực thi công ước.Các cấp và các ngành chức năng của tỉnh đã tích cực tuyên truyền, giáo dục, thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và bảo tồn động vật hoang dã, quý hiếm nên đã hạn chế nạn buôn bán, săn bắt động vật hoang dã, quý, hiếm. Năm 2012, tỉnh Lào Cai đã cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cho 232 hộ với tổng số 4.065 cá thể.
Tuy nhiên, do đời sống của nhân dân sống gần rừng còn gặp nhiều khó khăn, vì lợi ích trước mắt vô tình hay cố ý, người dân đã trực tiếp tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi săn bắt, mua bán một số loài động vật hoang dã để kiếm lời, đã phát hiện, lập biên bản và xử lý 36 vụ vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng, với 614 cá thể/20 loài. Trong đó, tịch thu chuyển Trung tâm cứu hộ động vật 21 cá thể, thả về tự nhiên 64 cá thể còn lại bán thanh lý và tiêu hủy theo quy định.
Cầy Gấm - (Prionodon pardicolor Hodgson) tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên
Để thực hiện tốt việc quản lý động vật hoang dã, trong thời gian tới các cấp chính quyền, các ngành của tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân ở miền núi, vùng có rừng, các khu rừng đặc dụng để người dân tích cực tham gia bảo vệ động - thực vật; không săn bắn, bắt, bẫy các loài động vật hoang dã quý hiếm; không làm ô nhiễm hoặc phá huỷ môi trường sống của động vật. Có chính sách phù hợp nhằm nâng cao mức sống của người dân để động vật hoang dã quý hiếm không là nguồn thực phẩm, lợi nhuận quan trọng trong đời sống của họ.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong việc bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã, quý, hiếm. Bảo đảm ngăn chặn triệt để tình trạng săn bắn, bẫy, bắt động vật hoang dã quý hiếm ở các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; quản lý chặt việc kinh doanh, vận chuyển động vật hoang dã hoặc sản phẩm của chúng theo đúng các quy định của pháp luật./.