Hiệu quả từ công tác dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở Lào Cai
Trong những năm qua, công tác dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở Lào Cai luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm thực hiện, từng bước nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.Nhiều hộ gia đình tại Sa Pa có thu nhập ổn định nhờ trồng cây dược liệu.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Lào Cai đã tổ chức khảo sát, điều tra 40.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó, số lao động nông thôn có nhu cầu học nghề nông nghiệp là trên 32.000 người. Với kinh phí gần 31,6 tỷ đồng, tỉnh đã đào tạo được 13.000 người lao động thuộc các nhóm nghề chính như chăn nuôi gia súc, gia cầm, thú y, trồng rau, trồng nấm, trồng cây ăn quả, trồng cây dược liệu, cây lương thực, trồng rau công nghệ cao...
Với nhiều cơ chế, chính sách từ Trung ương đến địa phương như tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn… đã góp phần tạo bước đột phá, tăng tốc về chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh trong 10 năm (từ năm 2010 đến năm 2019) đạt trên 13.000/543.000 lao động nông thôn.
Nhiều giải pháp, biện pháp phù hợp đã được triển khai, góp nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm sau đào tạo nghề. Có trên 90 % lao động sau khi học xong đã mạnh dạn áp dụng những kiến thức, kỹ năng hoặc những ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Thông qua công tác đào tạo nghề đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, tạo việc làm góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo. Điển hình có mô hình trồng chuối, nuôi trồng thủy sản tại xã Bản Qua huyện Bát Xát đã tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động, với thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Mô hình trồng rau an toàn, rau công nghệ cao, trồng và nhân giống nấm ở xã Quang Kim cho thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm; Mô hình nuôi lợn tại xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng thu nhập bình quân mỗi hộ từ 120-150 triệu/năm; Mô hình nuôi gà thịt tại xã Phú Nhuận huyện Bảo Thắng mỗi lứa nuôi 1.500 con, xuất chuồng từ 1-1,5 tấn, trừ chi phí mỗi hộ thu được từ 50-60 triệu đồng/lứa; Mô hình nuôi trồng thủy sản ở thị trấn Phong Hải huyện Bảo Thắng cho thu nhập từ 180-200 triệu đồng/năm; Mô hình trồng lan ở Tả Phìn-Sa Pa cho thu nhập bình quân mỗi hộ từ 700-1.000 triệu đồng/năm; Mô hình trồng Quýt ở thị trấn Mường Khương cho thu thu nhập bình quân mỗi năm từ 100-120 triệu đồng; Mô hình trồng măng tây ở thành phố Lào Cai cho thu nhập mỗi năm từ 200-250 triệu đồng; Mô hình trồng chanh ở Văn Bàn mỗi năm cho thu nhập từ 150-170 triệu đồng; Mô hình trồng cây ăn quả ở Bảo Thắng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm…
Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề của các cơ sở dạy nghề đã đáp ứng được nhu cầu học nghề đa dạng của người lao động. Công tác xây dựng và phát triển chương trình dạy nghề ngày càng hoàn thiện, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề phát triển về cả số lượng và chất lượng. Những kiến thức được áp dụng vào sản xuất đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh, làm thay đổi nhận thức của các hộ dân trong việc học nghề. Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Để công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới tỉnh Lào Cai cần tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện cho người học sau khi học nghề về vốn, phương tiện sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm ổn định. Đồng thời, có chính sách khuyến khích đào tạo và học nghề phục vụ nhân lực cho các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lào Cai./.