Đền Thượng – Nơi khắc dấu chiến công anh hùng
Đền Thượng toạ lạc trên đồi thuộc dãy núi Mai Lĩnh với độ cao 120m so với mực nước biển. Mặt tiền của đền quay ra hướng Tây Bắc với phần mái lợp bằng ngói vảy, đầu hồi 2 bên có mái cong, ở giữa là hình ảnh Hổ ngậm nửa chữ Thọ với ý nghĩa mong ước cầu được mùa no đủ của cư dân nông nghiệp. Hai bên là hình ảnh hai con rồng chầu mặt trời thể hiện một trật tự, một xã hội có nền nếp. Dưới chân đồi là cây đa đã hơn 300 năm tuổi, vươn cành trổ tán xum xuê, toả bóng mát.
Đền Thượng đẹp như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình với lối kiến trúc theo thuyết phong thuỷ vừa trang nghiêm mà rất thi vị. Đứng trên đền nhìn xuống, du khách có thể ngắm bao quát thành phố Lào Cai và thị trấn Hà Khẩu sầm uất bên kia con sông.
Nằm trong khuôn viên khu di tích Đền Thượng còn có một ngôi đình vuông với 4 cửa và 8 rồng chầu, ở giữa là Kim Quy lưng đội bia đá khắc tích thờ Đức Thánh Trần. Đó là Phương Đình – nơi dừng chân của các quan quân đi tuần trước kia, còn ngày nay được dành cho khách tham quan nghỉ chân, thưởng thức khí hậu trong lành nơi núi rừng, quên đi những lo toan, nhọc nhằn của cuộc sống đời thường.
Phương Đình – nơi nghỉ chân của khách tham quan khi đến Đền Thượng.
Theo dân gian truyền lại, vào thời Lê, niên hiệu Chính Hoà (năm 1680 – 1705), để tưởng nhớ đến công lao to lớn của tướng quân Trần Hưng Đạo, người dân làng Lão Nhai (nay là Lào Cai) đã quyên góp công sức và tiền của xây dựng ngôi đền ở dưới chân đồi (dưới gốc cây đa bây giờ). Sau này các vị tiên chỉ chức sắc trong vùng hội họp, đồng tâm chung sức trùng tu tôn tạo và chuyển đền từ chân đồi lên vị trí hiện nay.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, Đền Thượng được xác định như một cột mốc biên giới và lịch sử văn hoá vùng biên của nhân dân các dân tộc Lào Cai nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Năm 1996, Đền Thượng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Vào mồng một, ngày rằm hằng tháng, rất đông du khách thập phương về Đền Thượng dâng hương, cầu mong mọi sự an lành, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu mà còn là nơi khẳng định chủ quyền lãnh thổ Quốc gia nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc./.