Đền Bảo Hà – khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia

Đền Bảo Hà – khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia, được xây dựng vào thế kỷ 17, dưới chân đồi Cấm, bên cạnh dòng sông Hồng, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Hàng năm thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài tỉnh về đây dâng hương tưởng nhớ người anh hùng Nguyễn Hoàng Bảy.

Đền Bảo Hà - Lào Cai. (Ảnh HT)
 
Đền Bảo Hà, nơi thờ thần vệ quốc Hoàng Bảy, một anh hùng miền sơn cước đánh giặc phương Bắc bảo vệ bản làng đã hiển thánh. Đây là khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia, được Nhà nước công nhận vào tháng 11/1997.

Nằm cách thành phố Lào Cai khoảng 60km về hướng Nam, cách Hà Nội khoảng 240km đi theo đường sắt. Việc đến thăm di tích đền Bảo Hà rất thuận lợi vì có nhiều đường giao thông đi lại, du khách có thể lựa chọn đi bằng đường bộ, đường thủy hoặc đường sắt.

Theo sử sách ghi chép lại, vào cuối đời Lê niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786) khắp vùng Quy Hóa gồm Châu Thủy Vĩ và Châu Văn Bàn (thuộc Lào Cai bây giờ) luôn bị giặc phương Bắc tràn sang cướp phá, giết hại dân lành. Trước cảnh đau thương đó, tướng Nguyễn Hoàng Bảy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng Châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Trong một trận chiến không cân sức với quân giặc, ông đã anh dũng hy sinh, thi thể của ông trôi theo sông Hồng tới Bảo Hà thì được nhân dân trong vùng vớt lên an táng và lập đền thờ khắc ghi công đức.

Ông được vua Minh Mạng và Thiệu Trị (triều Nguyễn) tặng danh hiệu "Trấn an hiển liệt", Đền thờ ông được cấp sắc phong là "Thần vệ quốc", đồng bào các dân tộc địa phương tôn thờ ông là vị nhân thần.

Đền Bảo Hà được xây dựng có lưng tựa vào núi, mặt trước hướng về phía sông Hồng, vị thế uy linh, tĩnh mặc, phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Ngôi Đền có sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên với kiến trúc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đến nay, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Đền Bảo Hà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc trước đây. Bước qua cổng tam quan là sân đền, nhà khách, Phủ Chúa Sơn Trang, Toà đại bái, Cung cấm, Cung nhị và Cung công đồng. Trong các cung thờ chính của Đền có các pho tượng của Đức Thánh Trần, Đức Vua Cha, Quan Tuần Trang, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng quan Bơ phủ, Mẫu Nhị, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thủy Tiên, Thiên Nhãn.

Hàng năm, Đền Bảo Hà tổ chức nhiều lễ hội, như Lễ Thượng Nguyên tổ chức vào rằm tháng Giêng; lễ tiệc Quan Tuần Tranh tổ chức vào 25/5 âm lịch; lễ hội ngày giỗ ông Hoàng Bảy tổ chức vào ngày 17/7 âm lịch; lễ Tết muộn (hay gọi là Tết tất niên) tổ chức vào Tháng chạp. Trong những dịp này, Đền Bảo Hà thu hút hàng vạn người dân từ khắp mọi miền đất nước đến thăm quan, kính dâng nén nhang tưởng nhớ người anh hùng huyền thoại và cầu mong có cuộc sống bình an, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn trong làm ăn.
Ánh Nguyễn

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra Festival “Sa Pa thổ cẩm miền sương mây”

Festival Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 08/11 – 10/11/2024 tại 02 Fansipan, khuôn viên Nhà du lịch Sa Pa, công viên văn hóa thị xã Sa Pa.

Hiệu quả Dự án 8 ở xã biên giới A Mú Sung

Hiệu quả lớn nhất mà Dự án 8 mang lại chính là đã giúp phụ nữ và trẻ em nữ trên địa bàn xã A Mú Sung, huyện Bát Xát có thêm nhiều cơ hội tham gia các hoạt động của xã hội, nâng cao hiểu biết và khẳng định vị thế của mình.

Hoa của núi

Lào Cai giành 3 giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III năm 2024

Chiều 1/11, tại tỉnh Sơn La, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 29, năm 2024.

Tiệm tranh nhỏ miền sương mây

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...