Phát triển du lịch Sa Pa thân thiện, bền vững

Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Sa Pa là thị xã vùng cao của tỉnh Lào Cai, cách thủ đô Hà Nội 315 km, cách trung tâm tỉnh lỵ - thành phố Là Cai 34 km. Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng những nguồn lực kỳ diệu về cảnh sắc, khí hậu, tài nguyên.

Trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, mảnh đất có 5 mùa xinh đẹp, mộng mơ, Sa Pa - “Thành phố trong sương” nay đã trở thành Khu du lịch quốc gia. Du lịch Sa Pa đã có những bước phát triển vượt bậc, từ một thị trấn nhỏ vùng cao đã được khẳng định, định vị trên bản đồ du lịch của Việt Nam và Thế giới; luôn nằm trong Top 10 điểm đến được yêu thích nhất trong nước và Đông Nam Á; được bình chọn Top 10 điểm đến xanh nhất; một trong 50 thị trấn nhỏ đẹp nhất trên thế giới; ruộng bậc thang Sa Pa là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất Châu Á. Để có được một Sa Pa phát triển như hôm nay, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn xác định Sa Pa không chỉ là trọng điểm du lịch của tỉnh mà còn là Khu du lịch quốc gia mang tầm cỡ quốc tế; luôn chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, lấy cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa làm động lực; tính thích ứng và sự năng động làm đột phá để vươn lên và hướng đến phát triển xanh và bền vững.

Sa Pa mùa lễ hội thu hút đông đảo du khách.

 Nhờ lợi thế và được quan tâm nên những năm gần đây du lịch Sa Pa đã phát triển vượt bậc, bình quân một năm Sa Pa đón 1 triệu khách du lịch, giai đoạn 2011 - 2014 tốc độ phát triển bình quân lượng khách đạt 15% (tốc độ khá cao so với cả nước). Lượng khách du lịch đã tăng từ 120.000 lượt (năm 2003) lên đến trên 600.000 lượt vào năm 2012 và vẫn đang trong đà tăng trưởng. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, thị xã Sa Pa đón khoảng 2.500.000 lượt khách. Những con số ấn tượng đó đã lý giải sự thu hút du khách đến với Sa Pa - vùng du lịch nổi tiếng được người Pháp phát hiện từ đầu thế kỷ XX đã bảo tồn, giữ được nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc, nền tảng để Sa Pa hướng tới sự phát triển du lịch bền vững và là điểm độc đáo, nét đặc trưng riêng có của Sa Pa.

Thời điểm hiện tại Sa Pa đã có 842 cơ sở lưu trú với 8.840 phòng chiếm 55% cơ sở lưu trú trên toàn tỉnh: Trong đó có 02 khách sạn 5 sao; 05 khách sạn 4 sao; 9 khách sạn 3 sao, 40 khách sạn 2 sao, 88 khách sạn 1 sao, 343 cơ sở lưu trú không xếp hạng (khách sạn, nhà nghỉ) và 355 (homestay) và 508 dịch vụ du lịch khác (trong đó có 283 cơ sở dịch vụ ăn uống, 90 cơ sở mua sắm, 53 cơ sở dịch vụ vui chơi, giải trí, 67 cơ sở chăm sóc sức khỏe và 15 cơ sở dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch). Với 18/45 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 2/5 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 242 hướng dẫn viên du lịch đang hoạt động trên toàn tỉnh. Thị xã Sa Pa có 1 Khu du lịch Quốc gia, 13 điểm du lịch/33 điểm du lịch trong toàn tỉnh.

Sa Pa Hotel - Khách sạn 5 sao tại trung tâm thị xã Sa Pa.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã xác định Khu du lịch quốc gia Sa Pa được định hướng phát triển toàn diện, đồng bộ, trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc gia tầm cỡ quốc tế, với hạ tầng, dịch vụ đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, phong phú, chất lượng cao, có thương hiệu, hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế; nhân lực du lịch chuyên nghiệp, thân thiện. Xây dựng đô thị trung tâm Sa Pa trở thành thành phố đô thị loại III vào năm 2030, phấn đấu đến năm 2050 phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I, là đô thị thông minh có hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, hiện đại. Trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đáp ứng tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế, một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất toàn cầu.

Trên cơ sở các quyết định phê duyệt của các cấp có thẩm quyền đối với đề án “Phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030”; “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030” và các đề án phát triển du lịch có liên quan, nhiều dự án đầu tư phát triển đã được thực hiện, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. UBND tỉnh đồng ý về mặt chủ trương, chấp thuận nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch như: Dự án Công viên Văn hóa Mường Hoa, Sa Pa với tổng mức đầu tư khoảng 4.700 tỷ đồng; khách sạn Golden Dragon Sa Pa, với tổng mức đầu tư 310 tỷ đồng; dự án cáp treo Fansipan với vốn đầu tư 4.400 tỷ đồng của Tập đoàn Sun Group,...

Bên cạnh đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đầu tư cải tạo và phát triển hệ thống đường du lịch ngắm cảnh, đường kết nối các khu, điểm du lịch cũng được chú trọng. Điển hình là các dự án tại thị xã Sa Pa: Đường từ thị xã Sa Pa đến làng Cát Cát; tuyến từ thôn San II Hoàng Liên - Tả Van; dự án Quốc lộ 4D đoạn qua Sa Pa (Km 100 - Km 111); tuyến đường Sa Pả - Tả Phìn - Ngũ Chỉ Sơn; tuyến đường Sa Pa – Bản Xèo - Mường Hum - Y Tý (Bát Xát);…

Để hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững cho Sa Pa cần tập trung nguồn lực cho đầu tư, quy hoạch mở rộng phát triển thị xã Sa Pa; ưu tiên nguồn lực cho phát triển du lịch, quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, thương mại trở thành lĩnh vực đột phá, trọng tâm; đẩy mạnh công tác quản lý và thực hiện quy hoạch, tập trung xây dựng đô thị thông minh, hiện đại; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và trật tự đô thị; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng nhu cầu và tiêu chí ngày càng cao của khách du lịch./.

Minh Phượng

Tin Liên Quan

Chinh phục “ngưu vương” Tây Bắc

Nhìu Cồ San là đỉnh núi cao thứ 8 của Việt Nam, hấp dẫn nhiều người khao khát chinh phục bởi địa hình và thảm thực vật thay đổi rõ rệt theo độ cao. Tuy nhiên để lên được tới đỉnh ngọn núi này là điều không đơn giản.

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.