Các nền kinh tế mới nổi "kéo" tăng trưởng toàn cầu
Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2013 từ 3% xuống còn 2,4%, với động lực tăng trưởng từ các nền kinh tế đang trỗi dậy.
Cụ thể, tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2013 sẽ vào khoảng 8,4%. Brazil sẽ là 3,4%. Ngay cả các nước châu Phi vùng Nam Sahara cũng có thể đạt mức tăng trưởng mạnh 4,6%, chủ yếu nhờ vào ba yếu tố: Nguồn kiều hối, nhu cầu tiêu thụ nội địa gia tăng và giá nguyên liệu cao. Tuy nhiên, WB cũng lưu ý là các nước đang trỗi dậy chỉ có thể đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao nếu tiếp tục nhịp độ cải cách, như đã từng thực hiện trong các năm 1990 và 2000. Mặt khác, tình hình kinh tế không sáng sủa của các nước phát triển cũng có thể tác động đến các nước đang trỗi dậy.
Trong một nghiên cứu mới công bố của Nhóm Tư vấn Boston (BCG) đã nhận định các công ty hàng đầu của các nền kinh tế mới nổi hiện là động lực thúc đẩy tăng trưởng tại các khu vực và sẽ định hình nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới.
Trong tốp 100 các công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, các công ty đến từ các nền kinh tế mới nổi (tạm gọi là Nhóm A), chiếm ưu thế vượt trội so với những đối thủ đến từ các nước phát triển (tạm gọi là Nhóm B) trên phương diện địa bàn hoạt động, khả năng tạo việc làm mới, hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động.
Trong giai đoạn 2008-2011, các công ty Nhóm A đạt mức tăng trưởng bình quân 16%, gấp 4 lần so với đối thủ thuộc Nhóm B đến từ các nước phát triển. Thu nhập trung bình của những công ty này năm 2011 là 26,5 tỷ USD, cao hơn mức thu nhập 21 tỷ USD của các công ty phi tài chính có tên trong danh sách 500 công ty có mức vốn hóa trên thị trường lớn nhất tại Mỹ.
Sau “phép lạ BRIC"
Trong những năm gần đây, nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) là một trong những động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, theo nhận định của WB các quốc gia đã phải đối mặt với một loạt các thách thức kinh tế khác nhau, từ lạm phát đến việc thiếu hụt đầu tư nước ngoài và một sự bất ổn trong thị trường lao động.
Trong khi đó, nhiều tổ chức nghiên cứu, quỹ đầu tư đã hướng sự chú ý đến các nước Đông Nam Á như là một trụ cột mới trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và chuyên gia kinh tế Jim O'Neill ám chỉ 11 thị trường mới nổi tiếp theo ra đời như một cách để giúp các nhà đầu tư quan tâm chú ý hơn đến các nền kinh tế đang phát triển khác ngoài các quốc gia BRIC. N-11 bao gồm: Bangladesh, Ai Cập, Mexico, Indonesia, Iran, Nigeria, Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Việt Nam.
Trong năm 2012, N-11 đã có tốc độ tăng trưởng 12%, vượt qua mức tăng 1,5% của nhóm BRIC. Với dân số hầu hết đều trẻ hơn và có tỷ lệ sinh cao hơn so với Mỹ và châu Âu đã giúp cho các quốc gia N-11 thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ và đàng nổi lên từ bóng tối của BRIC. Đáng chú ý trong số này là sự phát triển vượt bậc của nhóm các "con hổ mới" ở châu Á, gồm: Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Trong thời gian qua, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI không còn tập trung vào Trung Quốc mà có chiều hướng chuyển dịch qua những nước khác. Theo ghi nhận của Ngân hàng HSBC, nhiều nước ASEAN và Ấn Độ thuộc diện được hưởng nguồn đầu tư trực tiếp mới này do các điều kiện thuận lợi về dân số, thị trưòng nội địa hấp dẫn, tăng trưởng cao.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua, các nhà hoạch định chính sách của ASEAN luôn luôn dốc sức thực hiện sự dung hòa cả về thương mại, đầu tư lẫn chế độ, nguyện vọng “xây dựng thị trường vốn không biên giới” đã nhiều lần được đề cập.
Điều kiện có lợi là, “dân số ở độ tuổi lao động” ngày càng thu hút các nhà đầu tư. Năm 2012, vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp vào các nước ASEAN đã đạt 117 tỷ USD, vượt qua vốn đầu tư trực tiếp tại Trung Quốc là 116 tỷ USD. Mặt khác, tỷ lệ dự trữ cao của các nước ASEAN xếp hàng đầu thế giới, nhờ đó có thể lôi kéo kinh tế khu vực tăng trưởng. Kích cầu mạnh sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á trong 5 năm tới khôi phục mức tăng trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.