Các FTA đã 'chắp cánh' cho xuất khẩu như thế nào?
Thông qua công tác hội nhập, Việt Nam đã và đang trở thành cửa ngõ quan trọng bậc nhất thế giới khi giờ đây đầu tư vào Việt Nam là có thể tiếp cận được với hầu hết các thị trường lớn của thế giới.Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD.
Năm 2023, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Có thể nói, những kết quả này đến từ các giải pháp khắc phục khó khăn, mở cửa thị trường của Chính phủ, các bộ, ngành và của cộng đồng doanh nghiệp, nổi bật trong đó là sự chủ động trong việc thúc đẩy thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Bộ Công Thương.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu... đây cũng chính là cơ sở, là nền tảng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.
Khai thác tốt các FTA
Báo cáo tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Công Thương cho biết, việc khai thác các FTA được Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong năm 2023, công tác hội nhập đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh và cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư...
Công tác thực thi, triển khai các FTA đã được Bộ Công Thương chủ trì, đôn đốc các bộ, ngành có liên quan về việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Đồng thời, tích cực phối hợp với các đơn vị, bộ, ngành trong việc theo dõi và khẩn trương xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quan điểm của Việt Nam về việc gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh và đang phối hợp để xây dựng hồ sơ trình phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh (dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên năm 2024).
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 6 đối tác chiến lược toàn diện, 18 đối tác chiến lược, 12 đối tác toàn diện) và có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế.
"Các FTA không chỉ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn hỗ trợ UBND các tỉnh, thành phố mở rộng kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế", Bộ Công Thương cho biết.
Đơn cử, đối với Đắk Lắk, tận dụng lợi thế từ các FTA, hiện nay hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ; mang sản phẩm, hàng hoá đến tay người tiêu dùng cuối cùng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho hay, tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 14,4%/năm. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu là 1,151 triệu USD đạt 101,3% kế hoạch; năm 2022 kim ngạch xuất khẩu tăng lên 1,500 triệu USD, đạt 125% kế hoạch năm, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Vinasamex chia sẻ, hiện nay Vinasamex đã xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi sang nhiều thị trường có FTA. Trước đây, khi chưa có thương hiệu, doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường đại trà, dễ tính. Nhưng những năm gần đây, nhờ “đòn bẩy” của các FTA, doanh nghiệp tập trung vào những sản phẩm giá trị cao cấp để xuất khẩu vào những thị trường khó tính, như EU, Canada, Mỹ, Nhật Bản...
Đàm phán thêm các FTA mới
Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, bên cạnh các thị trường truyền thống, ngành Công Thương đã thúc đẩy, đàm phán tiến tới ký kết các FTA với Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA), Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ (MERCOSUR), UAE và Canada... để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.
Đây được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế của ngành Công Thương trong năm 2023.
Như với Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA (FTA Việt Nam - EFTA), cho đến nay, hai bên đã trải qua 16 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán cấp Trưởng đoàn và cấp kỹ thuật. Hiện tại, hai Bên đã xác định được các vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực quan trọng của Hiệp định như thương mại hàng hóa, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ.
Còn với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA), VIFTA được ký kết đánh dấu thành quả nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước sau quãng thời gian 7 năm với 12 phiên đàm phán. Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA. Thông qua VIFTA, Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu...
Đối với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam (FTA) và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Bộ Công Thương đã chủ trì tham gia một số phiên đàm phán trong năm 2023.
Đồng thời, trong năm 2023, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham dự đàm phán nâng cấp và đàm phán mới các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN
Bên cạnh các giải pháp chủ động trong việc triển khai thực thi các FTA, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA, RCEP, Cộng đồng kinh tế ASEAN và các FTA khác của Việt Nam dưới nhiều hình thức. Đồng thời, tiếp tục chủ trì đảm nhiệm, thúc đẩy và làm tốt vai trò là đơn vị tiếp nhận các câu hỏi từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân liên quan đến các FTA trên và trực tiếp trả lời hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan trả lời.
Hiện nay, phạm vi đối tác FTA của Việt Nam đã khá rộng và toàn diện. Vì vậy, trong từ 3-5 năm tới sẽ chạm đến các dấu mốc quan trọng của nhiều Hiệp định và dần tiến đến tự do hóa thuế quan hầu hết các mặt hàng nhập khẩu với các đối tác thương mại chính.
Để tối ưu hóa những tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế đến nền kinh tế, trong năm 2024 cũng như các năm tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ đặt trọng tâm hàng đầu vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA, nhất là từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, Hiệp định của ASEAN với các đối tác. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác cảnh báo sớm về biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối tác.
Phát huy vai trò Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài
Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương sáng 20/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm 2023, tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu đều suy giảm mạnh so với cuối năm 2022.
Riêng đối với công tác xúc tiến thương mại. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia nhằm chống đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu và lợi thế, như: Công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới, chíp và chất bán dẫn.
Đồng thời, tăng cường thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác còn tiềm năng ở khu vực châu Phi, Nam Á, Tây Á và Nam Mỹ…, tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư; đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, thương mại điện tử, kinh tế số nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả; tăng cường quản lý thị trường và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế.
https://baochinhphu.vn/cac-fta-da-chap-canh-cho-xuat-khau-nhu-the-nao-102231220140857582.htm