Sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch văn hóa dân tộc thiểu số tại Lào Cai

Thực tế cho thấy, phát triển du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang mang lại “lợi ích kép” cho người dân. Loại hình du lịch này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vốn có mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.

Những năm qua, ngành du lịch Lào Cai và các địa phương trong tỉnh đã xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch thành “thương hiệu” riêng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đó là Lễ hội bốn mùa, Lễ hội trên mây Sa Pa, tái hiện chợ tình Sa Pa, Festival “Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai”... Đặc biệt, Festival “Tinh hoa Tây Bắc” năm 2022 với chủ đề “Kết nối khát vọng xanh” được tổ chức tại thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa từ ngày 26 đến 28/8/2022 với chuỗi hoạt động đặc sắc, trong đó có sản phẩm du lịch mới - vở diễn thực cảnh “Sa Pa lặng lẽ yêu” - “The Mong show”.

Các sản phẩm du lịch cộng đồng đã được quan tâm đầu tư và làm mới như du lịch cộng đồng tại xã Tả Van gắn với văn hóa dân tộc Giáy, xã Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao và xã Nghĩa Đô gắn với dân tộc Tày. Sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa ruộng bậc thang Lào Cai trong hành trình khám phá cung đường di sản văn hóa ruộng bậc thang - Tây Bắc; du lịch khám phá văn hóa của người dân vùng cao thông qua các chợ phiên Bắc Hà (Bắc Hà), Cán Cấu (Si Ma Cai), Pha Long (Mường Khương), Mường Hum, Y Tý (Bát Xát),...

Sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch.

Đặc biệt, sản phẩm du lịch tâm linh được quan tâm phát triển, hình thành kết nối tuyến du lịch tâm linh Bảo Yên - Văn Bàn - Bắc Hà - Thành phố Lào Cai - Thị xã Sa Pa. Trong đó, đã khai thác hiệu quả tour du lịch tâm linh dọc sông Hồng thông qua hệ thống các di tích, danh lam, thắng cảnh tại các điểm gồm đền Thượng, đền Mẫu, đền Đôi Cô, đền Bảo Hà (tỉnh Lào Cai) kết nối với các điểm: Đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn, đền Tuần Quán (tỉnh Yên Bái), đền Mẫu Âu Cơ; đền Tam Giang, đền Du Yến (tỉnh Phú Thọ).

Một trong những sản phẩm mang thương hiệu và riêng có của Lào Cai được tập trung phát triển và khai thác từ đầu nhiệm kỳ đến nay thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước là du lịch gắn với văn hóa truyền thống, như Tết Nhảy của người Dao đỏ; Lễ hội Gầu tào của người Mông; Lễ hội rước đất, rước nước của người Tày Bắc Hà; Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy; Lễ cúng rừng “Gạ ma do” và Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì ở Bát Xát.

Cùng với đó, sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với các sản phẩm nông nghiệp đã phát triển mạnh. Có thể kể đến các mô hình du lịch nông nghiệp như trồng hoa lan gắn với du lịch sinh thái của Hợp tác xã địa lan Tả Phìn (Sa Pa); trồng hoa hồng cổ Sa Pa; trồng dâu tây công nghệ cao tại Sa Pa; đồi chè Linh Dương tại thành phố Lào Cai; vườn lê Tai nung tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai... Du khách tới các mô hình này, ngoài tham quan còn được trải nghiệm trồng, chăm sóc hoa, thu hái hoa, quả.

Du lịch trải nghiệm làng nghề cũng là một sản phẩm thế mạnh của Lào Cai. Hiện toàn tỉnh có 17 nghề truyền thống, 10 làng nghề và 20 làng nghề truyền thống. Nhiều làng nghề đã tạo thương hiệu trên thị trường với sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương mà còn trở thành hàng hóa được người tiêu dùng ưa chuộng và Lào Cai cũng đang khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch này.

Nghề thủ công truyền thống góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nắm được nhu cầu, thị hiếu của du khách, thời gian qua, Lào Cai đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch thể thao độc đáo và mới như chinh phục đỉnh Lảo Thẩn, Ky Quan San (Bát Xát), dù lượn, chèo thuyền kayak, đu dây trượt thác (canyoning) thu hút đông đảo du khách trải nghiệm.

Phát triển du lịch mang lại lợi ích kép cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Song phát triển du lịch cộng đồng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Lào Cai còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa thực sự hiểu giá trị của văn hóa bản địa là “chìa khóa” phát triển du lịch cộng đồng nên khi thấy nhu cầu du khách tăng, sẵn sàng xây dựng thêm những khu lưu trú, làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên, thương mại hóa văn hóa bản địa, gây tổn thương và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững.

Với đặc thù là một ngành kinh tế tổng hợp, sản phẩm du lịch chính là tổng hợp tất cả các trải nghiệm của khách du lịch tại một điểm đến. Bởi vậy để tạo ra một sản phẩm du lịch chất lượng, ngành du lịch Lào Cai cần tạo ra cho khách du lịch những ấn tượng tốt, các trải nghiệm hấp dẫn tại những điểm đến như dịch vụ lưu trú, ẩm thực, vận chuyển có chất lượng; đảm bảo giao thông - an ninh trật tự, cảnh quan môi trường và văn hóa của cộng đồng địa phương,...

Vì vậy, phát triển sản phẩm du lịch phải mang tính tổng thể, bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng- an ninh, trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt vấn đề môi trường, lao động, việc làm tăng thu nhập cho ngươi dân địa phương, tăng ngân sách hàng năm; mỗi địa phương phải quy hoạch và phát triển những sản phẩm du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh cao để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách ngày càng cao, đảm bảo tính bền vững, có khả năng thu hút khách và có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư./.

 

Hà Phương

Tin Liên Quan

Chinh phục “ngưu vương” Tây Bắc

Nhìu Cồ San là đỉnh núi cao thứ 8 của Việt Nam, hấp dẫn nhiều người khao khát chinh phục bởi địa hình và thảm thực vật thay đổi rõ rệt theo độ cao. Tuy nhiên để lên được tới đỉnh ngọn núi này là điều không đơn giản.

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.