Nông dân Lào Cai thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Tại các địa phương trong tỉnh, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" gắn với xây dựng nông thôn mới diễn ra rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên; qua đó, phát huy tính năng động, sáng tạo, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh giỏi, nâng cao tiêu chí thu nhập.Phong trào “Nông đân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” đã tạo động lực khích lệ, động viên hàng nghìn hộ nông dân tham gia, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư vốn, giống vào sản xuất kinh doanh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất và giảm nghèo bền vững.
Hộ gia đình ông Tẩn Seo Kỳ, thôn Na Cạp, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương với mô hình trồng cây mận hậu.
Một số điển hình như hợp tác trong sản xuất, kinh doanh như hộ gia đình ông Trần Văn Hùng, thôn Na Vai, xã Bản Sen, huyện Mường Khương với mô hình trồng và thu mua nông sản, đã mang lại thu nhập bình quân hàng năm cho gia đình trên 3 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động, tạo việc làm mùa vụ cho 100 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, giúp đỡ trên 20 hộ nghèo, khó khăn về kỹ thuật, giống cây trồng. Hộ gia đình ông Phan Nhật Quang, thôn Làng Bông, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng với mô hình nuôi gà thương phẩm, hàng năm cho lợi nhuận trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ các hộ trên địa bàn xã bằng con giống, thức ăn tới khi xuất chuồng thì mới thanh toán tiền. Hộ gia đình ông Trần Chung Hưng, tổ dân phố số 2, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa với mô hình nuôi và cung cấp thức ăn cho cá tầm, cá hồi, kinh doanh nhà hàng, đã mang lại thu nhập bình quân hàng năm cho gia đình trên 2,5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 25 lao động, giúp đỡ 23 hộ nghèo, khó khăn về kỹ thuật, giống, thức ăn chăn nuôi, phối hợp với Hội Nông dân các cấp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cá tầm, cá hồi cho nông dân,...
Phong trào đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Thu nhập của hộ nông dân không ngừng tăng cao, có 6.494 hộ thu nhập đạt mức từ 100-200 triệu đồng/năm; 6.845 hộ thu nhập đạt mức từ 200-300 triệu đồng/năm, 2.303 hộ thu nhập đạt mức từ 300-500 triệu đồng/năm; 546 hộ thu nhập đạt mức từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm; 88 hộ thu nhập đạt từ 1 tỷ đồng/năm trở lên.
Sản xuất miến đao sâm tại Hợp tác xã Thành Sơn, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát.
Đặc biệt phong trào tác động mạnh mẽ đến chương trình mục tiêu quốc xây dựng nông thôn mới, hộ sản xuất kinh doanh giỏi gương mẫu đi đầu thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các tiêu chí thu nhập, nhà ở, giao thông đường làng ngõ xóm, vệ sinh môi trường và giúp đỡ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để nâng cao thu nhập. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp cùng với các hộ dân tại địa phương đã hiến 30,55 ha đất để làm đường giao thông và các công trình công cộng khác, đóng góp 113.447 công lao động, ủng hộ trên 8,5 tỷ đồng; tích cực tham gia thực hiện trồng cây che phủ rừng, trồng cây xanh phân tán và chăm sóc “Hàng cây nông dân”, đến nay tổng số đường hoa nông thôn mới đạt 271 tuyến, chiều dài 210,25 km tại 109 xã trên địa bàn toàn tỉnh... Tỷ lệ các xã được thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đạt trên 76%; 95,04% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; có 85/127 xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Vận động nông dân sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; không sử dụng các loại thức ăn có chứa chất cấm trong chăn nuôi, xây dựng văn hóa trong sản xuất kinh doanh.
Môi trường nông thôn từng bước được cải thiện và có chuyển biến tích cực, các thói quen, hủ tục đã dần được cải tạo, xóa bỏ; công tác thu gom, xử lý chất thải trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh được đầu tư, thực hiện và quản lý chặt chẽ, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Hiện toàn tỉnh có 62/127 xã duy trì và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân tiêu chí đạt 15,73 tiêu chí/xã, trong đó 04 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; công nhận 177 thôn kiểu mẫu, 237 thôn nông thôn mới.
Với những giải pháp sáng tạo và chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, sự quyết tâm khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của hội viên, nông dân, kết quả đến hết năm 2023, Lào Cai có trên 16 nghìn hộ đạt danh hiệu “nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi” các cấp, chiếm trên 13,45% tổng số hộ nông nghiệp, nông thôn và tăng hơn. Trong đó, 9.732 hộ nông dân là người dân tộc thiểu số đạt danh hiệu hộ sản xuất giỏi các cấp, chiếm 61,5% tổng số hộ sản xuất kinh doanh giỏi toàn tỉnh.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân các cấp tỉnh Lào Cai sẽ tích cực và đổi mới hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới và xây dựng các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để góp phần đưa Lào Cai hướng tới mục tiêu “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.