Lào Cai phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới
Trong thời gian vừa qua, du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã hình thành ở nhiều địa phương trong tỉnh, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách.Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 điểm du lịch cộng đồng được công nhận, chiếm 35% các điểm du lịch đã được công nhận, cùng với đó là hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch. Các điểm du lịch cộng đồng tập trung chủ yếu ở thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và từng bước mở rộng sang các huyện khác như: Bát Xát, Bảo Yên. Hiện toàn tỉnh có khoảng 4.000 lao động tham gia hoạt động du lịch cộng đồng (chiếm 14,29% lao động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh).
Lào Cai hướng đến mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững.
Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà còn tạo điều kiện cho người dân tham gia trực tiếp vào quá trình bảo vệ, gìn giữ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái. Vì vậy, du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng dân cư. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới thì hoạt động du lịch cộng đồng cũng đã hỗ trợ rất đắc lực trong việc giúp cho cộng đồng các địa phương, đặc biệt là các thôn, bản đạt được các tiêu chí về nông thôn mới. Qua thực tiễn triển khai trên địa bàn thị xã Sa Pa thì đã chứng minh du lịch cộng đồng chính là một phương thức rất hữu hiệu trong việc hỗ trợ phát triển sinh kế của cộng đồng các dân tộc địa phương.
Năm 2023, du lịch cộng đồng đón khoảng 700.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch cộng đồng chiếm khoảng 5% tổng thu từ du lịch của tỉnh. Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã có 3 nhóm cơ sở lưu trú tại gia của đồng bào Giáy, xã Tả Van (thị xã Sa Pa) của đồng bào Tày, xã Tà Chải (huyện Bắc Hà), dân tộc Tày, xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) được Hiệp hội du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN. Cùng với các loại hình du lịch khác, du lịch cộng đồng Lào Cai đã thu hút được sự quan tâm của du khách và góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng. Việc mở rộng hoạt động du lịch đến các làng bản đã tạo ra cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các địa phương. Theo kết quả điều tra thu nhập bình quân của các hộ tham gia du lịch cộng đồng tại Sa Pa đạt từ 80 -150 triệu đồng/năm, các đội văn hóa hoạt động ổn định với mức thu nhập 3 triệu đồng/buổi diễn.
Du khách được tham gia các hoạt động trải nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, du lịch cộng đồng cũng đang tồn tại một số hạn chế: Hầu hết các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn mới chỉ khai thác dịch vụ ăn, nghỉ và biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch, thiếu các hoạt động thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại địa phương; Các nghề thủ công truyền thống mặc dù bước đầu đã được khai thác phục vụ du lịch nhưng mới chỉ dừng lại ở những mô hình thí điểm nên chưa tạo được sức lan tỏa; Hầu hết các điểm du lịch cộng đồng chưa được đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch thiết yếu theo quy định như: Đường giao thông, bãi đỗ xe, hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh cộng cộng, điểm dừng chân ngắm cảnh và giới sản phẩm địa phương, hệ thống biển báo và biển chỉ dẫn du lịch, Nhà du lịch cộng đồng,… gây khó khăn cho du khách và các đơn vị lữ hành trong tiếp cận điểm đến và phục vụ du khách tại điểm đến.
Để phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lào Cai đề ra các giải pháp sau:
Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 06/2021/NQ - HĐND ngày 09/4/2021 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Đề án số 03- ĐA/TU ngày 11/12/2020 “Phát triển văn hóa, du lịch giai đoạn 2020-2025”, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhất quán quan điểm: “Phát triển du lịch gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phát triển vùng dân tộc thiểu số, khu vực biên giới…”.
Thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch không gian phát triển du lịch nông thôn cần gắn với đặc trưng sinh thái vùng, miền. Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp nước sạch cho các điểm có tài nguyên phát triển du lịch cộng đồng để tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng./.