Trợ giúp pháp lý cho xã nghèo, đặc biệt khó khăn
Theo Quyết định 59/2012/QĐ-TTg về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020 có hiệu lực từ hôm nay (15/2), các xã nghèo, đặc biệt khó khăn (ngoài các huyện nghèo) và các thôn, bản đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng chính sách này.Để tiếp tục thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020.
Bà Lê Thị Thúy, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý nghiệp vụ, Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay chỉ có 856 xã nghèo thuộc 62 huyện nghèo đang được hưởng chính sách hỗ trợ pháp lý theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, còn các xã nghèo, đặc biệt khó khăn (ngoài các huyện nghèo) và các thôn, bản đặc biệt khó khăn đã được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, từ năm 2011 đến nay chưa được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý.
Do vậy các xã này cần được Nhà nước quan tâm hỗ trợ để bảo đảm công bằng trong chính sách, pháp luật, góp phần giảm nghèo bền vững. Và đây cũng chính là lý do Quyết định 59/2012/QĐ-TTg được ban hành.
Mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý
Cũng theo bà Thúy, so với Nghị quyết số 80/NQ-CP, phạm vi đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý tại Quyết định 59/2012/QĐ-TTg được mở rộng hơn, không chỉ là người nghèo mà còn bao gồm cả người được trợ giúp pháp lý khác.
Bởi vì, tại các xã nghèo, người nghèo và người được trợ giúp pháp lý khác rất khó tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý, vì vậy, việc cho họ được thụ hưởng chính sách này là thực sự cần thiết. Hơn nữa, các hoạt động trợ giúp pháp lý được diễn ra tại cơ sở thường phải đầu tư lớn về kinh phí, nguồn nhân lực, do vậy, cần tận dụng tối đa để phát huy hiệu quả trong thực tế.
Theo Quyết định 59/2012/QĐ-TTg, với 5 nhóm hoạt động trợ giúp pháp lý không chỉ kế thừa và phát triển những hoạt động đã khẳng định vị trí, vai trò trong đời sống xã hội, bảo đảm hỗ trợ nhiều nhất cho người dân tại các địa bàn khó khăn này mà còn khắc phục được những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong thực tiễn thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo và chính sách hỗ trợ pháp lý tại các huyện nghèo thời gian qua.
Các định mức tài chính đối với các hoạt động để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo tại Quyết định 59/2012/QĐ-TTg tương ứng với định mức tài chính để thực hiện các hoạt động thuộc nội dung chính sách hỗ trợ pháp lý tại các huyện nghèo theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg. Dự toán ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý là hơn 300 tỷ đồng/cả giai đoạn.
Bà Thúy cho biết thêm, sau gần 5 năm thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 và 2 năm triển khai thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg, chính sách này không chỉ giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, nắm vững chủ trương, chính sách, chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước giành cho mình mà còn giúp họ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải toả vướng mắc pháp luật, giảm bớt khiếu kiện vượt cấp.
Bên cạnh đó, còn giúp họ tích cực và chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giám sát và tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, trở thành bộ phận của công tác dân vận của Đảng.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng Kế hoạch thực hiện và Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020.