Đầu Xuân đi lễ hội Gầu tào
Quang cảnh lễ hội Gầu Tào. |
Bà con thường chọn một bãi đất rộng làm nơi tổ chức lễ hội Gầu tào. Biểu tượng của hội là cây nêu bằng tre cao vút, trên ngọn treo một sải vải lanh đen xen lẫn vải lanh đỏ tượng trưng cho mặt trời. Thân cây treo túm ngô, cây khèn, bầu nước để cầu mong mùa màng bội thu. Chủ tế là người đàn ông cao tuổi có uy tín trong làng đi vòng quanh cây nêu đọc bài lễ cúng cầu mong vạn vật sinh sôi, nhà nhà hạnh phúc. Ông vừa đi vừa lẩm nhẩm đọc, theo chân ông có người phụ nữ cầm ô che.
Khi chủ tế cúng xong, các trai làng thổi khèn kết vòng tròn múa xung quanh cây nêu trông thật sinh động và đẹp mắt, tạo nên nét đặc sắc của lễ hội Gầu tào. Tiếng khèn vang lên chính là báo hiệu hát hội Gầu tào để các đôi trai tài, gái sắc chưa lập gia đình trổ tài hát giao duyên xuân, thể hiện bản sắc truyền thống văn hóa từ ngàn đời của người Mông.
Trong hội, người già thì thích chơi chọi chim họa mi, bởi đây là thú chơi “dưỡng thần”. Những con chim họa mi lao vào trận đấu không khoan nhượng, chỉ có “một mất, một còn” và chim thắng trận được ngẩng cao đầu hót vang làm chủ núi rừng. Chim bại trận nếu không chết thì vĩnh viễn mất đi khoảng “rừng thiêng” vào tay kẻ chiến thắng. Thú chơi chim họa mi thể hiện được tinh thần thượng võ và nét đẹp vốn có của đồng bào Mông luôn dũng cảm bảo vệ núi rừng quê hương yêu dấu.
Chơi đu quay cũng thu hút các bạn trẻ bởi sự dũng cảm và khéo léo của người chơi, đây là thú chơi “dưỡng chí”. Cột đu làm bằng gỗ nghiến, cứng và nặng như sắt. Thân cây đu làm bằng gỗ thông chắc và nhẹ, ở hai đầu đều có chốt nắm để người chơi giữ được thăng bằng. Thi đu quay chủ yếu là thi ở sức bền. Khi chủ trò hô lên, hai bạn túm chặt đầu đu quay tròn hoặc bập bênh. Nếu đối thủ ngã hoặc bị chóng mặt, rời thân cây đu là thua cuộc và người chiến thắng được chủ trò thưởng bát rượu ngô thơm lừng và phải uống một hơi cạn trong tiếng cổ vũ nồng nhiệt của mọi người.
Trò chơi đu quay thu hút nhiều người chơi. |
Trong lễ hội còn có hội thi bắn nỏ, chọi quay, kéo co… ai thích chơi thì vô tư nhập hội. Hội nào cũng đông và vui, đến khi đói và mệt, mọi người kéo nhau ngồi xung quanh nồi thắng cố ăn uống no say.
Hội Gầu tào kết thúc là lúc chủ tế xuất hiện đi quanh thân cây nêu đọc bài cúng, sau đó cây nêu được hạ xuống. Mảnh vải lanh đen, đỏ, túm ngô, cây khèn, bầu nước được thu lại rước về nhà chủ tế. Hội kết thúc và mọi người lưu luyến hẹn gặp lại nhau ở hội Gầu tào năm sau./.