Eurozone có nguy cơ suy thoái cả năm 2013

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kéo dài trong suốt cả năm 2013 với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 12,2% (tương đương hơn 20 triệu người), cao hơn mức 11,4% trong năm 2012.
 
Ảnh minh hoạ.
Trong dự báo kinh tế mới nhất, công bố ngày 22/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra cảnh báo nói trên, đồng thời cho rằng sản lượng kinh tế của 17 nước thành viên Eurozone trong năm nay sẽ giảm 0,3%, sau khi đã giảm 0,6% trong năm 2012. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khu vực đang chìm ngập trong nợ công này sẽ có thêm hàng triệu người nữa bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ lập kỷ lục vào cuối năm nay.

Tăng trưởng kinh tế chỉ quay lại với lục địa già vào năm 2014, với mức tăng 1,4%. Điều đáng lo ngại theo EC là tình trạng thâm hụt ngân sách của một số nước thành viên vẫn tiếp tục ở mức cao, trong khi đó hệ thống ngân hàng của Cộng hòa Síp cần tới 8,86 tỷ Euro để phải tái cấp vốn. Còn nợ công của Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, được dự báo chiếm tới 3,7% GDP trong năm 2013 và 3,9% GDP trong năm tiếp theo. Trước đó, Pháp cam kết sẽ nỗ lực đưa thâm hụt ngân sách về mức trần 3% GDP theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) và kỳ vọng rằng kết thúc năm 2013 thâm hụt ngân sách chỉ ở mức 3,5%.

Tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng tiếp tục kéo dài tại nhiều nước thành viên khác, trong đó có Tây Ban Nha. Quốc gia dưới sự chèo lái của Thủ tướng Mariano Rajoy đã tránh được nguy cơ phá sản trong năm 2012, song mức thâm hụt ngân sách lên tới 10,2% và tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Trong toàn bộ 27 nước thành viên EU chỉ có Ba Lan và Anh sẽ đạt mức tăng trưởng 0,1% trong năm nay và 1,6% vào năm 2014, song Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's vừa quyết định hạ mức tín nhiệm của Anh từ AAA xuống AA1 vì cho rằng nền kinh tế nước này tiếp tục đạt mức tăng trưởng thấp trong thời gian tới, trong khi gánh nặng nợ công ngày càng gia tăng.

Số liệu do Cơ quan thống kê quốc gia (ONS) công bố ngày 21/2 cũng cho thấy nợ công của Anh hiện đã lên tới gần 1.163 tỷ Bảng (khoảng 1.861 tỷ USD), tương đương với 73,8% GDP.

Việc bị hạ mức tín nhiệm xuống một bậc có nghĩa là Anh sẽ gặp khó khăn hơn trong việc vay nợ trên các thị trường quốc tế. Đây là lần đầu tiên Anh bị tụt mức xếp hạng tín nhiệm AAA kể từ khi nước này bắt đầu được Moody's và Standard & Poor’s (S&P) xếp hạng tín nhiệm vào năm 1978.

Cho đến thời điểm này, chỉ còn 2 nền kinh tế lớn trên thế giới là Đức và Canada còn duy trì được mức xếp hạng tín nhiệm AAA. Trước đó, S&P đã lần lượt hạ mức xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ và nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu là Pháp từ AAA xuống AA+ vào tháng 8/2011 và tháng 1/2012.

Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân khiến châu Âu tiếp tục rơi vào suy thoái một phần do các chính sách khắc khổ phản tác dụng. Mặc dù có thể giúp giảm phần nào thâm hụt ngân sách, tiết kiệm chi tiêu, song những chính sách này dẫn tới tình trạng giảm phát, vốn là nhân tố làm trì trệ tốc độ tăng trưởng kinh tế, đồng thời còn làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, giảm tiêu thụ và nguồn thu thuế, dẫn đến kìm hãm khả năng giảm nợ của toàn Eurozone.

Cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone đã làm xói mòn lòng tin kinh doanh, khiến các công ty lưỡng lự trong việc mở rộng đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm mới. Thêm vào đó là những lo ngại xung quanh các cuộc thương lượng về thuế và chi tiêu ở Mỹ, cùng với những quan ngại về nhu cầu sụt giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Trung Quốc.

Trước những dự báo ảm đạm về kinh tế Eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định vẫn duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục 0,75%/năm. Về mặt lý thuyết, việc tiếp tục cắt giảm lãi suất có thể kích thích, hỗ trợ các nền kinh tế thành viên Eurozone có thể dễ dàng vay mượn hơn để chi tiêu và đầu tư. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nghi ngờ tính hiệu quả chính sách này của ECB vì các gói kích cầu trước đây dưới dạng giảm lãi suất và hệ thống ngân hàng tung ra các khoản tín dụng ưu đãi đã không phát huy hiệu quả, khiến các doanh nghiệp phải miễn cưỡng vay tiền và chấp nhận rủi ro. Thêm vào đó, tại các nước đang gặp khó khăn tài chính, chi phí vay mượn vẫn khá cao bất chấp việc ECB áp dụng tỷ lệ lãi suất thấp./.

(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Các nước bịt “lỗ hổng” thuế quan thương mại điện tử như thế nào?

Đứng trước nỗi lo “cơn lốc hàng giá rẻ” tràn qua biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, nhiều quốc gia trên thế giới đã vào cuộc để cập nhật và cải cách ngưỡng áp thuế để phù hợp với thực tế mới.

Giấc mơ trở thành vựa lương thực thế giới của Indonesia

Theo báo Jakarta Post, hiện nay, tự cung tự cấp lương thực vẫn là một khát vọng hơn là thành tựu ở Indonesia.

Khai mạc Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 4/11, Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12 (WUF12) đã khai mạc tại Thủ đô Hành chính Mới (New Cairo) của Ai Cập, đánh dấu sự trở lại của diễn đàn này ở châu Phi lần đầu tiên sau 22 năm.

Liên hợp quốc ưu tiên ủng hộ xây dựng hệ thống lương thực thông minh

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi ứng dụng công nghệ để chuyển đổi hệ thống nông-lương thực tại châu Phi và coi đây là “chìa khóa” để giải quyết nạn đói vốn là căn bệnh kinh niên ở châu lục này.

Chìa khóa của phát triển bền vững

Vốn chịu sức ép từ nhiều cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp, khó có thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh này, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hối thúc các quốc gia, nhất là các nước đang phát...

Xu hướng xanh hóa nông nghiệp ở Bắc Âu và bài học cho nông sản Việt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, xu hướng phát triển nông nghiệp xanh ngày càng được các quốc gia Bắc Âu thúc đẩy, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với những bước tiến tiên phong trong nông nghiệp bền vững, các nước Bắc Âu như Thụy...