Du lịch “miền cổ tích”

Đến huyện Văn Bàn vào tiết sang xuân, du khách sẽ có cơ hội khám phá vùng đất này với biết bao điều kì thú, hấp dẫn. Men theo chân núi Tam Đỉnh sừng sững canh giữ một vùng mỏ sắt Quý Xa, vượt dốc Cổng Trời phóng tầm mắt bao quát thị trấn Khánh Yên đẹp tựa bức thêu đậm sắc màu. Trong nắng xuân tươi, hoa cải rực vàng, hoa đào phơn phớt hồng, hoa mận trắng tinh khôi đua nhau khoe sắc; cánh hoa mỏng mảnh, nụ hoa e ấp, sương long lanh điểm tô cho vẻ đẹp thuần khiết, dịu dàng vùng đất từng được mệnh danh “miền cổ tích”.
 
Văn Bàn hội đủ những điều kiện cho du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh mang lại những kỷ niệm khó quên cho du khách. Khúc dạo đầu của chuyến đi là được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của đỉnh núi Gia Lan cao vời ẩn hiện trong làn sương sớm mong manh. Khánh Yên Thượng nằm khiêm nhường dưới chân núi như nét nhấn trong bức tranh tổng thể của vùng đất Văn Bàn.

Dưới chân núi Gia Lan.              Ảnh: Ngọc Bằng 

Một chút ngỡ ngàng, háo hức khi chúng tôi bắt gặp ở đây hình ảnh quá đỗi thân quen của lũy tre xanh và những tán cọ “xòe ô che nắng”. Nét quê vùng trung du đã đan xen hòa quyện cùng vẻ đẹp bình dị, đằm thắm của mái nhà sàn truyền thống và trang phục nền nã, duyên dáng của thiếu nữ Tày. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là nụ cười đón khách, lời chào thân thiện cởi mở và ấm tình của người dân.

Di tích lịch sử cách mạng “Khu du kích Gia Lan” từng ghi đậm chiến công của du kích Văn Bàn đánh Pháp, giải phóng quê hương đã giúp chúng tôi hiểu thêm thông điệp về câu chuyện huyền thoại của bức tượng đá thiên nhiên “bà bế cháu” ngóng ông cha đi đánh giặc mang chiến thắng ngày về.

Nằm giữa dãy núi Hoàng Liên Sơn phía Tây Bắc và dãy con Voi phía Đông Nam cùng ven sông Hồng và nhiều con suối thơ mộng như ngòi Nhù, ngòi Chăn, Nậm Tha, Nậm Mả… cấu tạo địa chất đã hình thành những hang động qua quá trình phong hóa, thủy hóa hàng triệu năm như Thẳm Dương, Thẳm Sáng. Ngược theo dòng suối sẽ thấy hàng ngàn viên đá, tảng đá muôn hình vạn dạng nằm la liệt trên triền suối.

Đặt chân đến Liêm Phú, Nậm Xây, Nậm Xé thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên, bầu không khí trong lành và dáng vẻ hoang sơ hiện ra trước mắt với thảm thực vật, động vật phong phú, nhiều loại gỗ quý như pơ mu, đinh, dổi, thú hiếm, chim, bò sát lưỡng cư… Đó là những kho bảo tồn về sinh học vô cùng hấp dẫn. Ngoài ra, du khách sẽ được ngắm dòng thác Bay dưới nắng xuân tung bọt trắng xóa tạo nên muôn sắc cầu vồng kỳ ảo.

Văn Bàn còn là vùng không gian văn hóa với những di tích lịch sử có giá trị gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đến với đền Ken thuộc xã Chiềng Ken tọa lạc trên đỉnh đồi cao 183,7 mét so với mực nước biển, du khách sẽ ngạc nhiên khi bắt gặp những cây đại thụ cao vút tỏa tán mướt xanh xuống ngôi đền uy nghiêm, trầm mặc. Khu di tích thờ tướng Nguyễn Hoàng Long, người có nhiều công lao cùng thuộc hạ dòng họ Nguyễn ở thế kỷ XVIII đánh đuổi giặc ngoại xâm, khai khẩn đất hoang, lập làng yên dân.

Nằm bên tả ngạn sông Hồng là đền Cô thuộc xã Tân An thờ công chúa Nguyễn Hoàng Bà Xa, người đã sát cánh cùng cha là tướng Hoàng Bảy triều Hậu Lê (1740 - 1786) đánh giặc bảo vệ miền biên viễn.

Địa bàn nơi đây còn lưu giữ kho tàng những giá trị văn hóa phi vật thể giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc với những phong tục tập quán và lễ hội hấp dẫn như hội Lồng tồng, hội chơi hang vào các ngày 5 - 8 tháng Giêng cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và thổ lộ tình yêu đôi lứa. Hội đền Ken, đền Cô diễn ra vào các ngày 7 và 17 tháng Giêng để tưởng nhớ tổ tiên, khắc ghi cội nguồn dân tộc. Nếu có dịp được tham dự những lễ hội này, du khách sẽ được đắm mình trong các cuộc vui nồng nàn, ý vị và đậm đà bản sắc.

Đến với miền đất nổi tiếng qua câu thơ của thi sỹ Tản Đà “Hôm qua còn ở Dương Quỳ/ Trắng phau ngựa trắng, xanh rì rừng xanh”, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản cá suối lam ống nứa, thịt trâu sấy, thịt lợn cắp nách chấm lá nhội giã nhỏ trộn muối, hạt dổi, canh chua với măng sặt xào cùng chén rượu Nậm Cần nồng nàn.

“Ai đi đâu về đâu/ Dẫu có cách xa bao lâu/ Xin đừng quên miền đất này/ Đẹp tình người lắm lắm đấy…”. Sức hấp dẫn của du lịch “miền cổ tích” là ở tình người, là ở những bài ca đậm chất then như thế./.

(Theo báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Chinh phục “ngưu vương” Tây Bắc

Nhìu Cồ San là đỉnh núi cao thứ 8 của Việt Nam, hấp dẫn nhiều người khao khát chinh phục bởi địa hình và thảm thực vật thay đổi rõ rệt theo độ cao. Tuy nhiên để lên được tới đỉnh ngọn núi này là điều không đơn giản.

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.