Biển và người Việt thời cổ đại
Kết quả khai quật mới nhất tại các hang động khu vực Tràng An, Ninh Bình của các nhà khoa học Anh và Việt Nam cho thấy nơi đây lúc ngập nước, biển dâng theo hiện tượng mà địa chất có tên gọi là “biển tiến”, người ta đã khai thác hải sản làm thức ăn, nước biển rút, người ta lại khai thác ốc núi. Người xưa đã “sống chung với biển” và khai thác sản vật biển một cách đơn sơ quanh “vịnh biển Tràng An” từ buổi ấy.
Muộn hơn vài ngàn năm, họ đã tận lực khai thác biển hơn. Món ăn khoái khẩu lúc này là sò và điệp từ biển. Ăn xong vứt vỏ tại chỗ ở. Vì thế mà ngày nay, người ta còn gặp những đống vỏ sò điệp dày vài mét ở vùng Quỳnh Văn (Nghệ An), Thạch Lạc (Hà Tĩnh), Bàu Tró (Quảng Bình). Các nền văn hóa cồn sò điệp này là bằng chứng của việc người xưa dựa vào biển để sinh tồn.
Cùng với việc khai thác ven biển, người xưa còn khai thác các đảo. Trong văn hóa Hạ Long, cách đây 4.000 năm, có những di tích nằm giữa biển khơi, trên đảo. Phải có thuyền hoặc bè mới ra được đảo. Vì thế, ắt hẳn người xưa đã biết làm thuyền bè từ thời buổi ấy. Các nhà khoa học lại biết được người xưa không chỉ đánh bắt cá trên mặt biển, mà còn biết khai thác vùng đáy biển. Dấu tích chinh phục đảo rõ rệt thuộc về người cổ ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Họ là những cư dân thuộc văn hóa Sa Huỳnh, tiền nhân của người Chăm, cũng là một thành tố sau này nhập vào dân tộc Việt. Lý Sơn cách đất liền vài chục km, nhưng đã có người Sa Huỳnh cư trú lâu dài ở làng cổ Xóm Ốc và Suối Chình vào thời điểm 2.000 năm trước.
Mô hình một con tàu đi biển thế kỷ 18 trong con tàu đắm Cà Mau
Trình độ đi biển rất giỏi của người Sa Huỳnh thể hiện ở việc họ đã dùng thuyền bè băng ngang Biển Đông đến vùng quần đảo Trường Sa. Cuộc khai quật 50m2 đảo Trường Sa Lớn của Viện Khảo cổ trước đây đã tìm được những mảnh gốm có phong cách Sa Huỳnh. Một số đồ trang sức Sa Huỳnh điển hình như khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu nhọn có mặt ở hang Ta Bon của đảo này. Những khuyên tai đặc biệt này còn tìm thấy được ở Thái Lan, Đài Loan do giao lưu văn hóa theo đường biển.
Đĩa gốm men Arita, Nhật Bản.
Cư dân Đông Sơn cũng là cư dân đi biển giỏi không kém cư dân Sa Huỳnh, thậm chí họ còn đi tới những vùng biển xa hơn, mà bằng chứng là họ mang những trống đồng Đông Sơn đi đến nhiều đảo ở Indonesia, đến vùng biển Malaysia, Thái Lan. Một chiếc trống đồng minh khí chôn trong ngôi mộ ở tỉnh Chiết Giang, cửa sông Trường Giang (Trung Quốc) là bằng chứng giao lưu xa nhất về phía bắc của người Đông Sơn theo đường biển.
Ngoài việc khai thác Biển Đông ở khía cạnh sản vật và giao lưu đây đó trên biển, cha ông ta lập ra những cảng biển để thuyền bè nước ngoài đến buôn bán với nhau và với người bản địa. Những thương cảng lớn như Vân Đồn đã được ghi nhận trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Năm Kỷ Tỵ (1149) dưới thời Vua Lý Anh Tông, thuyền buôn ba nước Trảo Oa (tức đảo Java, Indonesia), Lộ Lạc, Xiêm La (tức Thái Lan) vào Hải Đông (Quảng Ninh) xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quý. Một thương cảng lớn nữa ở “đàng trong” thời Trịnh-Nguyễn phân tranh là Hội An.
Một phần của bức tranh cuốn Jyomyo tả cảnh Hội An thế kỷ 17.