Thêm tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam
Cuốn sách vừa được phát hiện mang tên "Khải đồng thuyết ước” được xác định là cuốn sách viết bằng chữ Hán và chữ Nôm từ thời vua Tự Đức, ghi chép về thiên văn, địa lý do soạn giả Kim Giang Phạm Phục Trai thi Ân khoa năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) biên soạn… Trong đó, tại trang số 15- 16 cuốn sách là bản "Quốc địa đồ” có giá trị to lớn, khẳng định rõ chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.Tại đây, các đoàn thẩm định đã nhận định cuốn sách "Khải đồng thuyết ước” là tập sách giáo khoa viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, với nội dung ghi chép về thiên văn, địa lý, tên các xã, tổng, phủ…cũng như các nhân vật lịch sử, hình thể núi sông; cuốn sách do nhà soạn giả Kim Giang Phạm Phục Trai – thi ân khoa năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) biên soạn. Ngoài những giá trị tư liệu lịch sử về thời đại cha ông, cuốn sách đặc biệt thu hút được sự chú ý của đông đảo người xem là "Bản quốc địa đồ” xuất hiện ở trang 15 – 16 của cuốn sách, tên gọi và vị trí của các tỉnh thể hiện rõ trên tấm bản đồ. Cụ thể, bản địa đồ đã ghi rõ tất cả các tỉnh thuộc Việt Nam thời điểm bấy giờ, từ Nam Quan đến Hà Tiên. Trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đánh dấu và chú thích rõ là thuộc Việt Nam.
Anh Mạnh vui mừng khi công bố cuốn "Khải đồng thuyết ước”
với bản "Quốc địa đồ” quý giá khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo
|
Anh Mạnh cho biết: Hiện tại gia đình còn lưu giữ nhiều sách cổ thời Hán từ xưa để lại, hàng năm vợ chồng con cái vẫn thường xuyên lau chùi bảo quản cẩn thận, nhang hương ông bà tổ tiên… Câu chuyện dường như duyên định, hôm ấy cuốn sách "Khải đồng thuyết ước” dù vẫn được lau chùi bảo quản như những cuốn sách khác, khi kiểm tra để lau chùi, bảo quản thì lại xuất hiện ẩm mốc, nên gia đình đã đem ra phơi và tình cờ đọc được dòng chữ "Bản đồ địa quốc” (viết bằng chữ Hán). Thấy đây là một trong những tư liệu quý giá khi cả nước đang hướng về biển đảo, đang thu thập những tư liệu để đấu tranh pháp lý nên gia đình anh quyết định công bố cuốn sách. Cũng theo anh Mạnh cho biết, từ nhỏ anh đã được ông bà, cha mẹ kể lại, từ đời ông cố nội (cách đây 4 đời) vốn là thầy dạy học trong nội cung của triều Nguyễn, lại có thú sưu tầm sách vở nên đến bây giờ ngoài những cuốn bị thất lạc từ thời chiến vẫn còn nhiều cuốn sách cổ khác mà gia đình đang lưu giữ.
Có mặt tại buổi công bố cuốn sách PGS. TS Phạm Thuỳ Vinh, Viện Nghiên cứu Hán Nôm khẳng định: Đây là một trong những nguồn tư liệu quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuốn "Khải đồng thuyết ước” là dạng sách giáo khoa được in dưới triều Tự Đức, dùng để dạy học cho trẻ em, trong đó có in hình tấm bản đồ Đại Nam, với hình ảnh và chú thích hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam. Điều này thể hiện rõ, cuốn "Khải đồng thuyết ước” dưới triều Nguyễn đã khẳng định rõ về chủ quyền của hai quần đảo của tổ quốc. Bà Vinh cũng khẳng định: "cuốn "Khải đồng thuyết ước” xuất hiện tại Thanh Hoá, đây là bản sao sớm nhất, gần nhất với văn bản gốc nên nó là nguồn tư liệu quý khẳng định rõ thêm cho bản gốc đã được công bố trước đó”.
Bằng chứng thép về chủ quyền biển đảo Việt Nam
5 bộ phim tài liệu về biển Hoàng Sa, Trường Sa của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã được trình chiếu tại hãng phim vào tối 31-5, đều là những bộ phim có nội dung phong phú đầy cảm xúc ca ngợi sự hy sinh của người lính biển ngày đêm giữ đảo, giữ biển cho quê hương đất nước.
Đặc biệt, bộ phim "Trường Sa tháng 4 năm 1988” của cố đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích đã mang đến bao niềm xúc động. Đây là bộ phim được ra đời ngay sau khi Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma, 64 chiến sĩ hy sinh trên biển Đông, đạo diễn Lê Mạnh Thích cùng đoàn phóng viên từ đất liền ra đảo, ghi lại chân thực cuộc sống của những người lính chiến đấu trên con tàu HQ505 lịch sử, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn ngày đêm đối mặt gió bão và cướp biển để hoàn thành nhiệm vụ giữ đảo.
Và nếu như "André Menras – Một người Việt” là những hình ảnh bình dị về đất nước, con người Việt Nam trong con mắt một người nước ngoài, thì "Biển của người Việt” lại như một "bằng chứng thép” khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc. Đạo diễn Đào Thanh Tùng cho biết "Thông qua những bằng chứng, căn cứ lịch sử, các văn bản của nước ngoài, các tấm bản đồ..., cùng với nghiên cứu của những nhà khoa học và thông qua đời sống văn hóa tinh thần của các ngư dân ven biển miền Trung, "Biển của người Việt” đã chứng minh 2 vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong suốt 500 năm qua”.
Bà Phạm Thị Tuyết – Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết: Chúng tôi công chiếu 5 bộ phim được sản xuất 1967, 1988, 2009, 2011 và 2012. Trong đó có những đề tài biển đảo được làm từ thế kỷ trước và là những bộ phim xuất sắc nhất. Thứ nhất khẳng định tính lịch sử của về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Thứ hai đối với điện ảnh, các bộ phim tài liệu đã phản ánh hết sức chân thực giúp cho khán giả thấy được sự hy sinh của những người lính đã chiến đấu bảo vệ chủ quyền biền đảo của Tổ quốc. Những bộ phim dù đã làm từ rất lâu những vẫn có giá trị cho đến ngày hôm nay./.