Lạc vào “xứ sở cọ” Văn Bàn
Mái nhà sàn nép dưới tán cọ.
Cây cọ tập trung nhiều nhất ở xã Làng Giàng và xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn. Nhìn trước, nhìn sau, phóng tầm mắt ra xa đều bắt gặp màu xanh của cọ. Những quả đồi thẳng tắp cọ, những bản làng nép dưới tán cọ, những con đường quanh gốc cọ… khiến mảnh đất “đẹp tình người” trở nên yên bình, xinh đẹp hơn. Những thân cọ rêu phong với những tàu lá xòe “ngón tay” xanh mướt, hứng nắng thu vàng đã bao đời gắn bó với từng nếp nhà sàn, đi vào tuổi thơ của biết bao đứa trẻ.
Với người Tày Văn Bàn, cây cọ lại có ý nghĩa đặc biệt, đó là loài cây khó có thể thay thế trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Cây cọ cung cấp vật liệu làm nhà sàn, lá cọ sau khi phơi khô được sử dụng để lợp nhà, những tàu lá cọ được ken dày, buộc bằng lạt mềm mà chắc chắn, xếp ngay ngắn trên những tấm nẹp đan tỉ mỉ. Mái nhà ấy bền bỉ đi qua bao mùa mưa bão. Ngoài để lợp nhà, cuống cọ được chẻ nhỏ dùng để dệt mành. Còn quả cọ trở thành món ăn dân dã.
Ngút ngàn cây cọ.
Những nếp nhà đượm khói bếp, ẩn hiện dưới tán cọ mướt xanh là minh chứng rõ nhất về sự thanh bình của vùng quê yên ả. Ở Văn Bàn như phảng phất điều gì đó rất trung du mà lại đậm chất vùng cao Tây Bắc. Điều này khiến Văn Bàn đẹp, như vẻ đẹp của những thiếu nữ Tày có lời hát ngọt ngào trong điệu then./.