Lễ cúng cầu an cho phụ nữ mang thai của người Thu Lao ở Lào Cai
Cũng như nhiều dân tộc khác, người Thu Lao rất coi trọng việc sinh con đẻ cái để duy trì nòi giống và đem lại phúc đức cho gia đình. Do vậy, ngay từ khi người phụ nữ có thai, gia đình đã phải coi trọng chăm sóc, bảo vệ để đảm bảo cho đứa bé khi ra đời sẽ khoẻ khoắn, bụ bẫm. Điển hình là lễ cúng cầu an cho người mẹ đang mang thai và thai nhi được khoẻ mạnh, phát triển bình thường trong bụng mẹ.
Khi người phụ nữ mang thai đến tháng thứ bảy, bố đứa trẻ phải sắm một lễ vật và mời thầy cúng về nhà làm lễ cầu an cho vợ và thai nhi. Khi đến mời thầy cúng, phải mang theo một con gà và một chai rượu đến gặp thầy và trình bày việc vợ mình mang thai sắp đến ngày sinh nở nên nhờ thầy đến làm lễ cúng cho vợ được khoẻ mạnh, tránh được tai ương vận hạn, ma tà… Ông thầy cúng nhận lời sẽ hẹn ngày đến cúng giúp cho gia chủ theo lời thỉnh cầu và cho biết phải chuẩn bị lễ vật gì để làm lễ cúng cho đầy đủ và tốt đẹp.
Nghi lễ cúng |
Đến ngày làm lễ cúng, bố đứa trẻ phải tự tay chuẩn bị tất cả các đồ lễ cúng, vì theo quan niệm của người Thu Lao nếu như người khác làm thay sẽ mất thiêng và tổ tiên sẽ không nhận lễ và lòng thành của gia chủ.
Lễ vật chuẩn bị cho lễ cúng gồm 1 con gà luộc, 5 bát nước luộc gà, 5 nắm cơm nếp, 5 chiếc bát con, 5 đôi đũa, 5 chén rượu và 1 tập giấy bản. Tất cả các lễ vật được đặt ở vị trí giữa bàn thờ tổ tiên (song khà) và bàn thờ thần thổ địa (thu tỉ).
Thầy cúng (pu mủ) khi đi làm lễ cúng cầu an cho người mang thai chỉ đem theo đạo cụ là một chiếc mõ (pạt). Bước vào lễ cúng, ông thầy cúng lấy một chiếc bát múc nước lã, bẻ một cành lá xanh đặt lên bàn thờ rồi bắt đầu gõ mõ (pạt). Gõ mõ một hồi, thầy cúng đọc lời cúng khấn hoà cùng nhịp gõ của mõ. Nội dung ý nghĩa của lời cúng như sau: Hôm nay ngày lành, ngày tốt, ngày vừa đẹp, trăng vừa tròn, đứa bé trong bụng của... (tên người mẹ) gần đủ ngày đủ tháng, thầy cúng đến làm lễ cầu các vị thần, tổ tiên về đây tụ hội chứng kiến lòng thành tiến cúng của gia chủ.... (tên của bố đứa trẻ) dâng lễ mời các vị thần tốt, ma tốt hưởng thụ, tạo tốt, tích tụ cho đứa trẻ trong bụng mẹ được khoẻ mạnh, để đầy ngày hưởng mặt trời mọc, hưởng mặt trăng lên, cháu bé được chào đời...
Đọc xong, thầy cúng lấy cành lá xanh đó nhúng vào bát nước lã đặt trên bàn thờ vẩy nhẹ lên người mang thai ba lần với ý nguyện trao nguyền những lời cầu chúc tốt đẹp cho người mang thai và đứa trẻ trong bụng người mẹ được khoẻ mạnh.
Từ sau khi làm lễ cúng cầu an này, người phụ nữ không phải đi làm ruộng, nương và những công việc nặng nhọc nữa, phải chú ý kiêng kỵ trong việc đi lại, ăn uống để giữ sức khoẻ được tốt và thai nhi phát triển khoẻ đến ngày vượt cạn sẽ được mẹ tròn con vuông.
Trải qua sự phát triển của xã hội, người Thu Lao ở Lào Cai vẫn duy trì lễ cúng cầu an cho người mang thai như một nét văn hoá riêng và độc đáo, nhằm thoả mãn đời sống tâm linh của tộc người trong quá trình cư trú và phát triển. Điều này làm phong phú thêm cho kho tàng văn hoá của tộc người Thu Lao và bổ sung vào kho tàng văn hoá đồ sộ của các dân tộc Việt Nam trong quá trình phát triển hiện nay./.