Hôn nhân và tục hát cưới của người Giáy ở Lào Cai
Người Giáy rất coi trọng việc hôn nhân, họ quan niệm hôn nhân là sự kiện hệ trọng trong cuộc đời con người, là sự nối dõi dòng tộc. Vì vậy, trong hôn nhân, người Giáy ít quan tâm đến giàu hay nghèo, chủ yếu chú ý đến phẩm chất đạo đức và nền nếp gia phong hai bên, người Giáy cấm kỵ kết hôn cùng huyết thống.
Đoàn đón dâu hát đối trước khi vào cổng. |
Mùa cưới của người Giáy thường tổ chức từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau. Nam, nữ đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu bạn đời, khi duyên tình đã thắm nồng, chàng trai về báo cáo với gia đình để chuẩn bị tiến hành các nghi lễ.
Trước khi diễn ra lễ cưới chính thức, phải trải qua một số nghi lễ: thả mối mai (dạm hỏi) và mai mối lai (mặc cả). Hai nghi lễ này chủ yếu bàn luận việc hôn nhân của đôi trẻ, thống nhất ngày "đoạn lời". Ý nghĩa của nghi lễ này là nhà trai trao đồ vật cho nhà gái đã thách và từ đây đôi trai gái đã được công nhận là con của hai gia đình và cũng coi là thành vợ chồng. Sau ba năm, nếu nhà trai chưa đón được dâu thì hai bên được "tự do" tìm hiểu người khác, nhưng nếu chưa đủ ba năm bên nào "phá rào" trước thì bên đó bị phạt.
Việc đầu tiên trong lễ cưới là tìm ngày đón dâu. Khi đã tìm được ngày chính thức, nhà trai nhờ ông mối, bà mối (trước đã đi hỏi) đến nhà gái thông báo ngày giờ đón dâu. Đoàn nhà trai đi đón dâu khi đến cổng nhà gái bị chặn ngang bởi những sợi chỉ hồng và mấy cành gai cản lối chưa cho nhà trai vào, bên trong sợi chỉ hồng kê chiếc bàn với đôi chén, 2 chai rượu, 2 chậu nước lã với 2 chiếc chổi rơm (làm phép).
Đưa dâu |
Sau khi vượt được chặng đầu tiên, đoàn nhà trai lại trải qua lễ giữ. Muốn qua, đoàn nhà trai lại phải hát đối đáp với nội dung xin nhà gái bỏ vật chướng cản đường, cứ hát đối đáp cho đến khi nhà gái hạ hết các thứ trên bàn xuống mới được vào nhà. Sau khi đoàn đón dâu vào nhà, nhà gái đem phẩm đỏ đến đánh dấu từng người nhà trai (bôi phẩm đỏ vào má).
Trong mâm cỗ, mọi người chúc mừng cô dâu, chú rể bằng những chén rượu say nồng cùng những làn điệu đối đáp thắm đượm nghĩa tình. Cuối bữa tiệc, nhà gái sắp một mâm dài mời ông bà, bố mẹ, họ hàng của người con gái đến ngồi bên ông mối nhà trai làm lễ xin dâu, hai họ lại dùng những câu hát để nhắc nhở dặn dò. Nhà trai hát: "Phải phải đấy, đúng đúng đấy bên ngoại, giờ tốt bên nội sắp tới rồi, nào ta hãy sẵn sàng, nào ta hãy đứng dậy…". Nhà gái hát: "Phải phải rồi, đúng đúng rồi hai người mai mối, giờ tốt bên nội tới, cha mẹ xin một lời dặn con… Từ nay trở về sau, đi bùn đừng tránh lội, chớ dối lời bạn thương, đừng cười người chồng mình, ban đêm nên thức khuya, buổi sáng cần dậy sớm…".
Thủ tục xin dâu xong, cô dâu bước từ buồng ra cùng chú rể đến trước bàn thờ cúi lạy tổ tiên, xong việc người chị gái cõng cô dâu ra khỏi cửa trao cho nhà trai, nhà trai cử một phụ nữ khỏe mạnh đón và cõng cô dâu đi. Nếu gần cõng đến tận nhà, ở xa phải đi ngựa. Về đến nhà trai, sau thủ tục chờ giờ bước qua cửa chính, cô dâu và chú rể đến trước bàn thờ gia tiên cúi lạy, sau đó hai vợ chồng vào buồng bỏ khăn che mặt, tháo băng đỏ. Bữa tiệc nhà trai diễn ra tương tự như nhà gái, họ cũng dùng câu hát để cảm ơn và nhắc nhở dặn dò con dâu, con rể sống bên nhau trọn đời hạnh phúc./.