Bắc Hà yêu thương
Du thuyền trên sông Chảy. |
Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến Bắc Hà là dòng sông Chảy hiền hòa thơ mộng uốn lượn quanh những bản làng. Mùa xuân, ngược dòng khám phá sông Chảy với bao điều thú vị, hai bên là đồi núi, rừng cây, những nương ngô, ruộng lúa xanh thắm, xa xa thấp thoáng những thôn, bản người Mông, Tày nằm trên lưng chừng núi, lẫn trong mây, trong sương trắng trông thật đẹp, mộc mạc, thanh bình.
Vượt qua dốc Trung Đô với những cung đường xoáy trôn ốc, thị trấn Bắc Hà hiện ra trước mắt thật kiêu kỳ. Một thung lũng bằng phẳng được bao bọc bốn bề núi và những dốc dựng đứng, chính giữa được trải dài và căng rộng với ruộng lúa nhiều đường nét mộc mạc giản dị đến ngỡ ngàng, một phố núi yên bình, với thiên nhiên hoang sơ đến ngây ngất lòng người...
Cuộc sống nơi đây vẫn hoang sơ như nó vốn có vậy. Dạo chợ phiên sáng Chủ nhật, phiên chợ vùng cao với những món hàng cũng thật đặc trưng. Người đi bộ, người dắt ngựa, họ mang đến chợ đủ thứ sản vật vùng cao, từ ngô, sắn, chè tuyết shan, hoa quả, mật ong, rượu, trang phục thổ cẩm, đồ trang sức bạc, hoa phong lan, cây giống.
Đây đó, thanh niên từ các bản vùng cao dắt theo những con ngựa, bò, lợn... xuống chợ, càng làm cho hoạt động trao đổi hàng hóa nơi đây thêm nhộn nhịp. Đặc biệt, trong chiếc gùi của những thiếu nữ dân tộc Mông khi xuống chợ, luôn có những bộ váy, áo dân tộc mới nhất, đẹp nhất do chính họ làm, vừa để khoe cái tài, cái khéo của mình qua những họa tiết hoa văn đặc sắc được thêu tay, vừa để bán cho người đi thăm chợ...
Một nét đặc trưng không thể không nhắc đến trong phiên chợ Bắc Hà là thắng cố. Đây là món ăn truyền thống của người Mông đã có từ hàng trăm năm, sau đó truyền sang cả người Tày, Nùng. Món ăn này gắn liền với đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây bao đời nay.
Mấy năm gần đây cứ mỗi dịp tháng 6 là mọi người lại hẹn nhau lên Bắc Hà xem đua ngựa. Những con ngựa quanh năm thồ hàng trên những sườn đồi thì bây giờ lại là những chú ngựa đua. Tuy không chuyên nghiệp nhưng nài ngựa thi đấu hết mình, khán giả cũng là người đồng bào vùng cao, họ đến xem cuộc đua của chính những người trong làng, trong xã, cổ vũ tinh thần thi đấu kiên cường, dũng cảm.
Bắc Hà vẫn còn đó rất nhiều ấn tượng, nhiều cảm xúc về mảnh đất mà tự khi nào đã thấy yêu thương và gắn bó, dù chỉ mới đôi lần tìm đến để được sống thật với lòng mình, để ngỡ ngàng nhận thấy “khi ra thì nhớ rượu ngô Bắc Hà”./.