Những “lâu đài” cổ của núi rừng
Ðến bản của người Mông hoa ở huyện Si Ma Cai, điều khiến tôi thích thú là được tìm hiểu, ngắm nhìn những ngôi nhà truyền thống của đồng bào nơi đây. Dù to hay nhỏ, ngôi nhà thường có kết cấu 5 gian 6 vì, nhìn từ xa tựa như những “lâu đài” thu nhỏ.Ngôi nhà có dáng vẻ bề thế như một tòa “lâu đài” thu nhỏ. |
Ngôi nhà của người Mông hoa Si Ma Cai được làm từ các vật liệu tự nhiên, trong đó nhiều nhất là gỗ. Việc tìm gỗ làm nhà rất công phu, những người thợ chuyên nghiệp phải lên tận rừng xa, chọn những loại cây gỗ khác nhau cho phù hợp với chức năng của từng bộ phận. Bao quanh ngôi nhà là những bức tường được trình bằng đất dày, đảm bảo ấm áp về mùa đông và mát mẻ về mùa hè. Tạo nên những bức tường trình độc đáo ấy, người Mông hoa chọn loại đất có độ kết dính cao, loại bỏ sạch các loại rễ cây, cỏ rác và đá, sau đó dùng vồ nện theo khuôn đã có sẵn sao cho chắc. Mái nhà được lợp bằng ngói máng, một loại ngói do người dân tự làm bằng đất nung.
Nhà truyền thống của người Mông hoa thường là 4 nhà ghép nối tiếp, vuông góc với nhau, tạo một khoảng không rộng lớn ở trung tâm, gọi là giếng trời. Được đặt chính giữa ngôi nhà, giếng trời có nhiệm vụ lưu thông không khí, ánh sáng cho các gian nhà. Vì vậy, dẫu được vây kín xung quanh bởi những bức tường dày, nhưng ngôi nhà lại cực kỳ thoáng mát và ngập tràn ánh sáng.
Gian trung tâm thường được bố trí rộng nhất để đặt bàn thờ tổ tiên và là phòng khách của gia đình. Các gian bên phải là phòng ngủ dành cho khách và các thành viên trong gia đình. Bên trái là chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà và khu bếp nấu. Phía trên tầng 2 là kho lương thực, dự trữ lúa, ngô quanh năm, kèm theo đó là những kho củi lớn dùng để nấu nướng và sưởi ấm cho cả gia đình trong mùa đông giá.
Giếng trời được đặt ở giữa tạo sự thoáng mát và lấy ánh sáng cho các gian nhà. |
Ngày nay, do diện tích đất ở bị thu hẹp, thêm vào đó, để dựng được một ngôi nhà theo đúng kiến trúc cổ khá tốn kém và công phu. Vì vậy, nhiều gia đình người Mông hoa ở Sín Chéng (Si Ma Cai) đã cách tân ngôi nhà, nhìn từ ngoài vào tựa như ngôi nhà sàn của người Thái, chỉ khác kết cấu là tường bằng đất, mái không phải lợp ngói máng bằng đất nung mà là fbrô xi măng.
Là một trong số ít người còn biết kỹ thuật dựng nhà theo kiến trúc cổ ở xã Sín Chéng, ông Giàng A Ly, thôn Mào Sao Phìn cho biết: Để làm được ngôi nhà truyền thống, không chỉ đòi hỏi chủ nhân phải có điều kiện kinh tế mà còn phải chọn được thợ cả biết dựng nhà, có nhân lực để tìm gỗ, làm tường, làm ngói… Hiện nay, có nhiều loại vật liệu mới ra đời, giá thành rẻ hơn nhiều so với vật liệu mà bà con phải bỏ công sức làm ra nên phần lớn ngôi nhà mới của người Mông sử dụng vật liệu này. Đây cũng là một trong những nguyên do làm mất dần vẻ cổ kính, độc đáo vốn có của ngôi nhà truyền thống người Mông.
Lần đầu tiên tham quan ngôi nhà truyền thống của người Mông hoa, tôi tưởng như đang đứng trước tòa “lâu đài” cổ tích. Sự bề thế và những nét kiến trúc dẫu thô mộc nhưng không kém phần tinh tế, tiện dụng là đặc trưng của tòa “lâu đài” cổ giữa núi rừng.