Lào Cai: Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước
Hạ tầng kỹ thuật CNTT tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng cho nhu cầu ứng dụng CNTT của tỉnh. Giai đoạn 2006-2010, tỉnh Lào Cai đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT trong cơ quan nhà nước tại khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường đảm bảo phục vụ cho tất cả cơ quan nhà nước cấp tỉnh triển khai các ứng dụng CNTT. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh tiếp tục đầu tư hạ tầng CNTT đến cấp huyện, thành phố và đầu tư cho một số xã, phường trọng điểm kết nối mạng LAN, WAN của tỉnh và các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tính đến năm 2012, tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ công chức đạt 95%; các sở, ban, ngành UBND huyện và thành phố đều có mạng LAN, kết nối WAN, kết nối internet tốc độ cao.
Song song với công tác phát triển hạ tầng và ứng dụng CNTT, Lào Cai đã chú trọng ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý, tạo sự thống nhất trong quản lý nhà nước và khai thác sử dụng hiệu quả hạ tầng, ứng dụng CNTT, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Đối với phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ sông việc (QLVB&HSCV): Với tính năng của phần mềm: Cho phép tạo lập, quản lý các danh mục cho người sử dụng; Quản lý văn bản đến, văn bản đi; Quản lý giao việc; Quản lý văn bản nội bộ; Quản lý hồ sơ công việc; Báo cáo thống kê. Hệ thống cho phép quản trị người dùng theo đơn vị, theo chức danh và quản trị theo quyền hạn. Áp dụng phần mềm QLVB&HSCV đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn đối với vác các cơ quan đơn vị (giảm chi phí cho việc dự thảo in ấn các văn bản) việc ứng dụng phần mềm QLVB&HSCV cho phép người sử dụng chỉ in văn bản ra để trình lãnh đạo ký duyệt, còn các khâu xây dựng văn bản, xin ý kiến chủ trương... đều thực hiện trên môi trường mạng.
Ứng dụng CNTT trong giải quyết hồ sơ công việc (Ảnh: Tuấn Anh)
Ứng dụng CNTT trong họp giao ban trực tuyến thường kỳ của UBND tỉnh (Ảnh: Tuấn Anh)
Ứng dụng CNTT trong việc công khai minh bạch hóa các thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng được triển khai và thực hiện, thông qua Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai và Cổng thành viên của các Sở, ban, ngành. Mọi tổ chức, cá nhân đều có thể tìm hiểu các thủ tục hành chính do UBND tỉnh ban hành với các mức dịch vụ công: Dịch vụ công trực tuyến mức 1: đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời hạn; phí và lệ phí thực hiện dịch vụ; Dịch vụ công trực tuyến mức 2: cung cấp trực tuyến như mức 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; Dịch vụ công trực tuyến mức 3: cung cấp trực tuyến như mức 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Việc ứng dụng CNTT trong việc trao đổi, giải quyết thủ tục hành chính giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức, cá nhân đã đạt được hiệu quả cao, giảm chi phí cả về vật chất lẫn thời gian cho việc giải quyết thủ tục hành chính. Chị Yến Hường, cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai cho biết ”Việc ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến mức 3 tại Sở Thông tin và Truyền thông, trong việc giải quyết thủ tục hành chính đã đem lại hiệu quả rất thiêt thực. Tôi đã không phải đi lại nhiều lần để chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu; tất cả công việc được thông tin trao đổi, bổ sung hồ sơ đều được thực hiện qua môi trường mạng, vô cùng thuận lợi cho công dân. Tôi mong rằng ngày càng có nhiều thủ tục hành chính được áp dụng theo hình thức này, để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”./.