Thủy quân Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX qua các nguồn sử liệu phương Tây (1)-Kỳ 1
Trong phần lớn những ghi chép của người châu Âu về Việt Nam, các tác giả đặc biệt chú ý đến vấn đề tiềm lực quân sự và khả năng quốc phòng của các chính thể quân chủ.Có ý kiến cho rằng, những sự kiện trên là phép thử của quân Pháp đối với khả năng phòng thủ bờ biển của nhà Nguyễn và khi nhận thấy sự yếu kém của đội quân này, thực dân Pháp càng có thêm “quyết tâm” xâm chiếm Việt Nam(2). Quả thực, khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha đổ bộ lên Đà Nẵng, chỉ trong một ngày họ đã làm chủ các vị trí tiền tiêu bảo vệ bờ biển. Tương tự như vậy, lực lượng vũ trang Pháp hầu như không gặp phải bất kì sự kháng cự mạnh mẽ nào từ quân đội của triều đình Huế khi vượt sông Sài Gòn đánh vào thành Gia Định vào tháng 2/1859. Chỉ đến khi quân Pháp đổ bộ lên bờ và tiến sâu vào trong đất liền, chúng mới vấp phải sức chiến đấu quyết liệt của quân đội nhà Nguyễn cũng như của nhân dân Việt Nam.
Loại thuyền đi biển quan trọng nhất của nhà Nguyễn trong thế kỷ 19 được khắc trên cửu đỉnh ở Huế - Ảnh: THÁI LỘC
Các chuỗi sự kiện trên trước hết cho thấy, nhà Nguyễn đã không có một lực lượng hải quân đủ mạnh để trước khi tiếp cận đất liền. Hệ thống phòng thủ bờ biển của nhà Nguyễn cũng rất yếu kém nên không ngăn nổi quân Pháp đổ bộ lên bờ. Mặt khác, thái độ hiếu chiến của chúng khi ngang nhiên đốt phá các chiến thuyền nhà Nguyễn đậu trên vịnh Đà Nẵng hay như khi chúng tự tin tiến vào sông Sài Gòn đã gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng người Pháp đã biết rõ giới hạn khả năng quốc phòng nói chung và sức mạnh hải quân nói riêng của quân đội nhà Nguyễn.
Khi được khuyên nên đem quân ra chiếm Bắc Kỳ trước, tướng Pháp De Genouilly đã từ chối vì cho rằng quân Pháp sẽ có nhiều lợi thế khi đánh trên môi trường sông nước Sài Gòn(3). Quá trình thăm dò, tìm hiểu của người Pháp về sức mạnh quân sự và khả năng quốc phòng của Việt Nam là một quá trình lâu dài, gắn liền với sự thâm nhập của người châu Âu vào Việt Nam. Thông qua những ghi chép và hoạt động của các giáo sĩ, nhà du hành, thương nhân, nhà ngoại giao phương Tây trên lãnh thổ Việt Nam, người Pháp dần hiểu được điểm mạnh cũng như điểm yếu của đội quân đội phong kiến.
Trong phần lớn những ghi chép của người châu Âu về Việt Nam, chúng ta thấy rằng các tác giả đặc biệt chú ý đến vấn đề tiềm lực quân sự và khả năng quốc phòng của các chính thể quân chủ. Riêng đối với vấn đề thủy quân, có thể thu được nhiều nguồn thông tin qua những tác phẩm tiêu biểu như: “Relation de la nouvelle mission des pères de la Compagnie de Jesu, au royaume de la Cochinchine” (Xứ Đàng Trong năm 1621) của Christophoro Borri, “Histoire du royaume du Tonkin” (Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài) của giáo sĩ Alexandre De Rhodes hoạt động ở Việt Nam vào những năm 1627-1630, “Relation nouvelle et singulière du royaume de Tonquin” (Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài) của Jean Baptiste Tavernier dựa trên những ghi chép của người em đã đến Đàng Ngoài vào năm 1640, “Un voyage au Tonkin en 1688” (Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688) của thương nhân người Anh William Dampier, “Oud en Nieuw Oosr-Indiën” (Đông Ấn tuyển tập) của nhà du hành người Hà Lan Frainçois Valentijn xuất bản năm 1724, “A Voyage to Cochinchina, in the Years 1792 and 1793” (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793) của John Barrow, “Notice sur le Tonquin” (Những ghi chép về xứ Bắc Kỳ) của Ch.B. Maybon viết năm 1807, “A voyage to Cochinchina” (Một chuyến du hành đến Đàng Trong) của John White, một người Mỹ đến Việt Nam năm 1819, “Messmories sur la Cochinchine” (Hồi ức về xứ An Nam) của Jean Baptiste Chaigneau viết năm 1820, và một sổ ghi chép, thư từ trao đổi của người Pháp, Anh, Mỹ liên quan đến Việt Nam đầu thế kỷ XIX.
Điều đáng lưu ý là, các ghi chép này đều được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và phổ biến ở châu Âu, do đó trở thành những tri thức tiếng khác nhau người Âu lúc bấy giờ. Pháp với tư cách là trung tâm của Kỷ nguyên ánh sáng (Age of Enlightenment) của Châu Âu trong suốt thế kỉ XVII-XVIII, nên có thể nói rằng người Pháp có điều kiện tiếp cận với tất cả những tri thức mới của nhân loại.
1. Thủy quân thời Trịnh - Nguyên
Trong khi đó, J.Baptiste Tavernier đã đưa ra con số khiêm tốn hơn về số lượng thuyền chiến ở Đàng Ngoài là 318 thuyền gồm cả thuyền gale(5)và thuyền buồm. Đây là số thuyền của Đàng Ngoài vào năm 1649, khi quân Trịnh đang chuẩn bị mở cuộc chinh phạt đánh Đàng Trong. J.B. Tavernier cũng cho biết rằng, trong nhiều tài liệu trước đó, số thuyền chiến của Đàng Ngoài thực sự chỉ có khoảng 300 chiếc(6). Theo ghi chép của nhà du hành người Hà Lan Frainçois Valentijn thì số thuyền chiến của Đàng Ngoài vào cuối thế kỉ XVII rất khiêm tốn, chỉ có 70 đến 80 thuyền galê(7). Chúng ta có quyền nghi ngờ về số liệu của François được các thông tin qua lời kể của các thủy thủ và thương nhân Hà Lan ở Batavia và Ambon.
Tuy chiến thuyền của Đàng Trong ít hơn, các chúa Nguyễn luôn tìm cách tăng số lượng thuyền và mở rộng lực lượng thủy binh. Theo C. Borri, Đàng Trong thường xuyên cướp thuyền của Đàng Ngoài. Mặt khác, họ thực hiện triều cống với nhà Trịnh để đổi lại lấy gỗ đóng thuyền chiến và binh lính nhằm chống lại sự gây hấn của quân Xiêm(8). Trong bức thư gửi Hội đồng giám đốc công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) tháng 12-1642 để kêu gọi viện trợ quân tấn công Đàng Trong, viên thuyền trưởng người Hà Lan Jacob van Liesvelt đã tính toán rằng, tổng số thuyền chiến của Đàng Trong là 300 chiếc(9). Tuy nhiên, đến năm 1695, sức mạnh thủy quân của Đàng Trong đã tăng một cách đáng kinh ngạc. Theo Thomas Bowyear, một thương nhân người Anh từng đến Đàng Trong trong 2 năm 1695-1696 thì lực lượng thủy quân Đàng Trong thời Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) có đến “200 chiến hạm, mỗi chiếc có 16 đến 22 khẩu đại bác, 500 chiến thuyền nhỏ từ 40 đến 44 tay chèo, 100 chiếc thuyền lớn từ 50 đến 75 tay chèo, 3 chiếc của người Âu”(10).
Một chiến thuyền nhỏ của thủy quân nhà Nguyễn - Ảnh tư liệu
Điều đáng chú ý là, những chiến thuyền này đều do công xưởng của phủ chúa đóng. Điều chắc chắn là, nhờ có các phương tiện đi biển lớn và an toàn đó mà chính quyền Đàng Trong (Nguyễn Phúc Chu) đã thành lập đội Hoàng Sa, cho thuyền đến các đảo Hoàng Sa, Bắc Hải (Trường Sa) để khai thác nguồn lợi hải sản, thu gom hóa vật, đo đạc hải trình và xác lập chủ quyền trên các đảo đại dương của Tổ quốc. Số thuyền châu Âu trong đội quân Đàng Trong có thể là do chúa Nguyễn mua lại thuyền của thương nhân châu Âu, nhưng cũng rất có thể Đàng Trong tự đóng những thuyền này, dựa trên mô hình thuyền của châu Âu. Sử cũ có chép lại việc chúa Nguyễn đã từng cho người trục vớt hai con tàu Eulden Buis và Maria de Madicis của Hà Lan bị đắm ở đảo Champelo (Cù Lao Chàm) tháng 11 năm 1641(11). Nhờ có lực lượng thủy quân hùng mạng đó mà quân đội của Đàng Trong (chúa Nguyễn Phúc Lan, 1635-1648) đã đánh bại một đội tàu của Hà Lan ở cửa Eo (tức Thuận An) vào năm 1644.
Về kết cấu và trang bị của thuyền chiến Đàng Ngoài, theo ghi chép của William Dampier năm 1688 thì “thuyền chỉ bao gồm một loại thuyền đáy bằng và được thiết kế nặng về hình thức hơn là công năng vận chuyển, ngoại trừ việc vận chuyển lính từ chỗ này sang chỗ khác. Những con thuyền này dài 50, 60 hay 70 bộ (tương đương với 15, 18, 21m), rộng khoảng 10 đến 12 bộ (tương đương 3 đến 3,6m), hai đầu nhô cao nhưng phần thân không cao quá mặt nước quá đen 2 bộ rưỡi (khoảng 0,75m), đó cũng là chỗ để binh lính ra vào”(12). Cả Alexandre de Rhodes và William Dampier đều nhận xét rằng, thuyền chiến Đàng Noài có kích cỡ tương đối nhỏ, có một cột buồm và nặng về trang trí cho đẹp mắt. Mỗi chiến thuyền thường được trang bị một khẩu súng ở mũi thuyền và hai khẩu ở đuôi thuyền.
Trong khi đó chiến thuyền của Đàng Trong cũng được trang hoàng lộng lẫy, được khảm vàng và bạc, theo như ghi chép của C.Borri, nhưng hiệu năng sử dụng của thuyền Đàng Trong cao hơn. Mỗi thuyền đều được trang bị 6 súng thần công và nhiều súng hoa mai. Theo C. Borri, lúc nào Đàng Trong cũng có hơn 100 thuyền được trang bị vũ khí đầy đủ và sẵn sàng xung trận(13). Không giống như Đàng Ngoài thuyền chiến được dùng cả vào việc đàn áp các cuộc nổi dậy hay truy bắt tội phạm, với Đàng Trong thuyền chiến chỉ để dùng cho việc đánh trận ngoài biển. Tất nhiên, các nhà du hành phương Tây đều cho rằng thuyền chiến của cả Đàng Ngoài và Đàng Trong đều không thể so sánh được về độ lớn cũng như uy lực tấn công so với các thuyền châu Âu thời bấy giờ.
Về cơ cấu tổ chức của thủy quân Đàng Ngoài, theo Alexandre de Rhodes thì một thuyền thường có 25 cho đến 40 tay chèo(14). Số liệu này trùng với ghi chép của F. Valentijn là một thuyền trưởng gồm 30 đến 40 người(15). Con số mà William Dampier đưa ra ít hơn một chút, chỉ có từ 16 hoặc 20 đến 24 người(16). Sự khác nhau về số liệu này hoàn toàn có thể hiểu được, do các nhà du hành quan sát thuyền vào những thời điểm khác nhau, trong các sự kiện khác nhau. Trên mỗi thuyền thường có một viên quản binh (captain) cùng với một số lượng binh lính nhất định. Việc chèo thuyền được điều khiển thông qua những hiệu lệnh bằng tiếng cồng hoặc theo nhịp đếm.
Trong mỗi trận chiến mà William Dampier kể lại thì trong khoảng 60 chiến thuyền được cử đi đánh trận sẽ được phân thành các hải đoàn và phân biệt bằng các màu cờ khác nhau. Và 60 chiếc thuyền này có ba chiến thuyền đóng vai trò chỉ huy. Ba thuyền này có ba loại cờ khác nhau dưới quyền của ba viên tướng, trong đó có một viên tướng là chỉ huy và hai người dưới quyền. Điều này cho thấy sự phân chia đội ngũ khá quy củ và rõ ràng của thủy quân Đàng Ngoài. Bên cạnh đó, cũng theo W. Dampier, thì khi xung trận thì số lượng binh lính trên thuyền có khi từ 60, 80 cho đến 100 người(17).
Đối với vấn đề tuyển quân và tập luyện của lực lượng thủy binh cũng thu hút sự chú ý rất lớn của người phương Tây. Theo C. Borri, các chúa Nguyễn rất chú trọng đến vấn đề tuyển quân cho các hạm thuyền của mình. Mỗi khi cần, các chúa Nguyễn thường cử người đi khắp vương quốc để chọn những tay chèo giỏi vào đội thuyền hoàng gia. Một khi đã được chọn, những tay chèo được đối xử rất tốt, được trả lương cao. Ngoài ra, những người thân của người tham gia vào đội thủy quân cũng được chúa Nguyễn cung cấp những gì cần thiết cho cuộc sống, tùy theo cấp bậc của người chồng. Các lính thủy được trang bị mỗi người một súng hỏa mai, với đạn, dao hay mã tấu. Hằng ngày, các binh sĩ không làm gì khác ngoài việc tập bắn vào các bia đạn. Trong các trận chiến, người quản binh luôn đứng ở vị trí tiên phong, sẵn sàng xuất trận để đốc thúc tinh thần binh sĩ(18).
Việc tập luyện trên sông được giáo sỹ Choisy, đến Đàng Trong năm 1685, miêu tả tỷ mỉ: “Mỗi chiếc thuyền của Đàng Trong có 30 tay chèo ở mỗi bên thuyền. Ở mui thuyền và đằng sau là khoang lầu không có gì trật tự hơn thế. Những tay chèo phải chăm chú theo lệnh của quân binh, và người này ra lệnh bằng gậy chỉ huy. Họ chèo nhịp nhàng đến nỗi một nhạc trưởng cũng không điều khiển giàn nhạc của mình hay hơn là người quản binh của Đàng Trong điều khiển các tay chèo. Các thân tàu đều được sơn dầu đen, lòng tàu sơn đỏ rất bóng đến nỗi có thể soi gương được, mái chèo đều thếp vàng”(19).
Trong khi đó, việc tuyển quân ở Đàng Ngoài được thực hiện một cách chính quy hơn. Theo Tavernier thì lính ở Đàng Ngoài là lính chuyên nghiệp. Một khi đã được tuyển vào quân đội, thì họ phải dành trọn đời phục vụ quốc gia và không được tham gia phụ giúp công việc cùng với gia đình. Những lúc không phải phiên trực gác, họ phải tháp tùng người chỉ huy tới bất kỳ đâu và hai ngày trong một tuần họ phải luyện tập bắn cung.Kh i tập luyện, họ chia thành các đội, mỗi đội có khoảng 100 hoặc 130 người và đội nào bắn cừ nhất sẽ được thưởng hai tháng lương, hoặc thưởng gạo. Đội nào bắn kém nhất thì chịu phạt bằng việc nhân đôi thời gian trực gác. Người chỉ huy thường có yêu cầu rất khắt khe về việc giữ gìn bảo vệ vũ khí, súng ống. Nếu họ phát hiện gỉ sắt trên súng và vũ khí thì binh lính sẽ bị trừ tám ngày lương cho lỗi đầu tiên, và nếu lặp lại lỗi lần thứ hai thì họ sẽ bị trừng trị rất nghiêm khắc. J.B. Tavernier đã rất ngạc nhiên khi thấy mọi thứ ở trên thuyền đều được bảo quản lau chùi một cách cẩn thận và sắp xếp gọn gang(20).
Một trong những thú vui của chúa Trịnh và quan lại Đàng Ngoài là xem đánh trận giả giữa các chiến thuyền. Mỗi khi muốn xem đánh trận, nhà vua và một số cận thần sẽ di chuyển tới một cung điện đặc biệt được xây bên bờ của sông Hồng. Theo Alexandre de Rhodes thì các thuyền được cột bên cạnh những ngôi nhà nằm dọc ven sông. Mỗi khi có hiệu lệnh tập trung thì “tất cả đều nhanh nhẹn xếp vào cho đến lúc khởi hành không đầy một khắc đồng hồ, thế mà không có chiếc nào còn ở ngoài hàng ngũ, để rồi đến hiệu lệnh thứ hai, các thuyền sẵn sàng trong tư thế lướt đi”(21). Sẽ là niềm vinh sự lớn lao cho bất kỳ thuyền trưởng nào, nếu đội của họ giành chiến thắng. Theo J.B. Tavanier thì thuyền trưởng của đội chiến thắng sẽ được nhà vua ban tặng 1 con voi và 3 tháng lương. Vì sự hơn thua phụ thuộc vào sức chèo nên nhiều khi có binh sĩ vì ráng sức mà chết khi trong tay vẫn còn giữ bai chèo. Trong trường hợp không may này, vợ con của binh sĩ đó sẽ được hưởng 1 năm lương. Tuy nhiên, cũng theo J.B. Tavenier, so với sức lực và sự khổ luyện mà họ bỏ ra thì số lượng đó chẳng đáng vào đâu(22).
Tóm lại, cho đến cuối thế kỉ XVII, so sánh tương quan lực lượng về thủy quân giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài nhìn chung là ngang nhau; điều này được cả Alexandre de Rhodes và J.B. Tavenier công nhận(23). Xuất phát điểm của lực lượng hải quân của Đàng Trong là rất thấp, cả về số lượng thuyền, lẫn binh lính và trang bị vũ khí. Tuy nhiên, với quyết tâm trở thành một thế lực chính trị độc lập có thể đối chọi lại Đàng Ngoài và mở rộng lãnh thổ về phía Nam, các chúa Nguyễn không ngừng phát triển lực lượng mà vào 1672 nhà Trịnh đã đồng ý ký thỏa hiệp ngừng chiến, chấp nhận Đàng Trong như là một thế lực chính trị độc lập. Sau cuộc nội chiến Đàng Trong – Đàng Ngoài kết thúc, nhà Trịnh ở phía Bắc không còn chú tâm phát triển lực lượng thủy quân nữa mà tận dụng thời gian yên bình để phát triển kinh tế. Có lẽ vì thế mà hơn chục năm sau cuộc nội chiến khi William Dampier đến Đàng Ngoài ông chỉ thấy các thuyền chiến của nhà Trịnh rất sơ sài và chỉ đóng chức năng vận chuyển binh lính là chính.
Ngược lại, chúa Nguyễn ở Đàng Trong vẫn tích cực sắm thêm thuyền chiến, phát triển hải quân. Điều này xuất phát từ nhu cầu bảo vệ lãnh thổ khỏi sự xâm phạm từ phía Bắc là nhà Trịnh, bảo vệ an ninh vùng biển tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại phát triển và quan trọng hơn là mở rộng lãnh thổ xuống phía nam, gây chiến với Khmer và Xiêm. Nhận định này tương đối phù hợp với quan sát của Chosy đến Đàng Trong năm 1685. Choisy đã ghi chép sự phân bố lục lượng thủy quân của chúa Nguyễn như sau: “Ngoài các chiến thuyền của Hoàng gia, các chấn thủ của ba dinh chính trong vương quốc, nơi đó có hàng hải tốt, đều có chiến thuyền trấn thủ. Dinh Cát ở biên giới giáp với Đàng Ngoài có 30 chiếc; trấn thủ Dinh Chiêm có 17 chiếc, trấn thủ Dinh Niaroux (Phan Rang) có 15 chiếc”(24). Các Dinh Cát, Dinh Chiêm và Dinh Niaroux ở đây đại diện cho cả ba vùng chiến lược trong chính sách phát triển và mở rộng thế lực của chúa Nguyễn trong suốt thế kỷ XVIII.
ThS.Phạm Văn Thủy
Chú thích
1. Để hoàn thiện bài viết, tác giả xin được trân trọng cảm ơn những gợi ý của thầy Nguyễn Văn Kim về vai trò của thủy quân trong lịch sử Việt Nam. Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin được cảm ơn CN. Bùi Minh Hà, Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG HN đã giúp đỡ và cung cấp một số nguồn tư liệu quý.
2. C. Tucker Spender: Vietnam. Lexington – University Press of Kentucky, 1999, pp.28.
3. Dẫn theo Phạm Văn Sơn: Việt sử tân biên, Quyển 5, Tập thượng, Sài Gòn, tr.76.
4. Alexandre De Rhodes: Histoire du royaume de Tunquin. Lyon: B. Devenet, 1651, pp.13. Bản dịch tiếng Việt: Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Ủy ban Đoàn Kết Công Giáo, Tp. Hồ Chí Minh, 1994, tr.15.
5. Thuyền galê là một loại thuyền chiến vừa dùng buồm vừa dùng mái chèo, rất dài và hẹp.
6. A collection of several relations & treatises singular and curous of John Baptista Tavernier, Baron of Aubonne, London: Admund Everad Publiser, 1680, pp.14-15.
7. Frainçois Valentijn: “Oud en Nieuw Oost-Indiën”, Del.IV/B, pp.6.
8. Christophoro Borri: Cochin-China: Containing many admirable rarities and singularities of that country, London: Robert Asley, 1633, pp.I.1.
9. W.J.M.Buch: De Oost-Indische Compagnie en Quinam, de betrekkingen der Nederlanders met Annam in de XVII eeuw, Amsterdam: H.J.Paris, pp.81, 86.
10. Thomas Bowyer: Les Européens Qui ont vu le vieux Hue 1695-1696, BAVH, Vol.2/1920, pp.183-240.
11. W. J. M. Buch: De Oost-Indische Compagnie en Quinam, de betrekkingen der Nederlanders met Annam in de XVII eeuw. Amsterdam: H.J.Paris, 1929, p.88: Hoang Anh Tuan: Silk for silver, Dutch-Vietnamese relations, 1637-1700. Leiden: Brill, 2007, pp.74.
12. William Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Nxb. Thế giới, H., 2011, tr.9.
13. Christophoro Borri: Cochin-China: Containing many admirable rarities and singularties of that country. London: Robert Asley Publiser, 1633, pp.I.2.
14. Alexandre De Rhodes: Histoire du royaume de Tunquin. Lyon: B.Devenet, 1651, pp.17.
15. Frainçois Valentine: Oud en Nieuw Oost-Indiën, Del.IV, 6.
16. William Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Sđd, tr.99.
17. W. Dampier: Một chuyến du hành đến Đàng Trong năm 1688, Sđd, tr.99.
18. Christophoro Borri: Cochin-China – Containing many admirable rarities and singularities of that country, London: Robert Asley, 1633, pp.I.2.
19. M.L’ Abbé de Choisy: Journal du voyage de Siam fait en 1685 & 1686, Paris: Sabastien Mabre-Cramoisy, 1687, pp.567.
20. A collection of several relations & treatises singular and curous of John Baptista Tavernier, Baron of Aubonne. London: Admund Everad Publiser, 1680, pp.15.
21. Alexandre De Rhodes, Histoire du royaume de Tunquin. Lyon: B.Devenet, 1651, pp.22.
22. A collection of several relations & treatises singular and curous of John Baptista Tavernier, Baron of Aubonne. London: Admund Everad Publiser, 1680, pp.16.
23. Alexandre de Rhodes: Histoire du royaume de Tunquin, Lyon: B. Devenet, 1651, pp.20.
24. M. L’ Abbé de Choisy: Journal du vogage de Siam fait en 1685 & 1685, Paris: Sabastien Mabre-Cramoisy, 1687, pp.430.